Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013


TỪ ĐÓ TA VỀ ... 
            BIÊN KHẢO
                                  - BÀNG LƯ
                                            
                                             Ta về mô
                                             Bờ trúc lơ thơ chiều dại...
                                             Người về mô
                                             Thu vắng lá vàng!
                                                                     ( Con Đường Khói Mãi)   




                                                                       

Có chút lắng hao gầy rưng lên mười ngón...
                                           ( Con Đường Khói Mãi)
                                

NHẬN RA


Ta về một buổi mù sa
Hoa xuân rụng cội ,sân nhà còn thơm.
Vườn xanh  gió lạ mãi vờn
Cỏ non bướm thắm chập chờn đường xa..

Bốn mươi năm - buổi rượu đó mà
Bỗng nghe chếnh choáng nhận ra cõi mình!

                                              

TẶNG
             " Xin về góp nhặt phôi pha.."
                                  Bùi Giáng tiên sinh
Mùa đông này tặng anh ban mai
giữ lại cái lạnh.
Như con chim về reo giọng hót
bỗng tặng anh vũ điệu hồn nhiên.

Kỷ niệm nào tặng anh nuối tiếc
giữ lại nhạt phai...
Như cánh Sứ  sớm nay hương tỏa
sao tặng anh xa lắc cái nhìn...
              ***
Anh tặng cho rừng
                          chiều xuống 
                                     những cánh chim
giữ lại lách lau lời ru dại.
Như chỉ giữ con đường khói mãi
tặng bên trời ngọn nắng tàn hôm!

Anh tặng cho người
                             nói cười
giữ lại lặng câm.
Như giữ lại tách trà sớm nay còn nóng
như đã tặng em niềm yêu bất tuyệt
giữ lại khuya ăm ắp những dòng...
                                                 
                          



CHIỀU MIỀN TÂY

Cơn mưa về lại vội ra đi
bỏ lại khói và sương,
Ai biết đâu sương,đâu khói.
bỏ lại ta
Ai biết ta là chừ hay ta của ngày xưa!

           ***










Chiều miền Tây chực mưa
xa xăm đồng ruộng
xa xăm câu vọng cổ buồn.

Sẽ chẳng còn chút vàng nắng quái
chút trong lành gió núi
chút se lòng đọng lại  buổi chiều mưa!


                              ∆












16.10            BÀN VỀ GIAI THOẠI  VÀ CÂU SẤM KỲ BÍ  
                                     CỦA DÒNG HỌ  TRẦN ĐÌNH.         Kỳ I

 

Khoảng mươi năm trở lại đây, thuật phong thủy được mọi người  chú ý. Từ việc xây nhà, trổ ngõ đến đắp mả, dời mồ đêu nhất nhất tuân theo ý của thầy phong thủy.Có cả cơ sở chuyên tư vấn phong thủy.Có doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cho lập tổ phong thủy riêng, tư vấn theo yêu cầu của khách hàng.Từ đó yếu tố phong thủy dần có vai trò to lớn và đôi khi được đề cập đến như một thứ cứu cánh trong đời sống tâm linh.

          Phong thủy là thuyết luận về sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước và được cho sẽ tạo ra cát hung, họa phúc, thọ yểu trong đời sống  con người. 

Phong thủy chia làm hai phần: Dương trạch và Âm trạch.

 - Dương trạch: Là nơi người sống làm nhà cửa, xây thôn lập xóm sinh sống. Dương trạch nếu hài hòa với thiên nhiên, môi trường tốt đẹp, sẽ  làm cho  cuộc sống con người an vui, hạnh phúc và phú quý. 

 - Âm trạch: Là nơi người chết yên nghỉ, còn gọi là mồ mả. Người chết nếu được chôn vào huyệt tốt về phong thủy thì con cháu nhiều đời sẽ hưng thịnh , phúc lộc dồi dào ...  

    "Ngôi mộ kết phát của dòng họ Trần đình " - Bài viết của GS Nguyễn Lý Tưởng (1) ra ngày 10/08/2015 cũng bàn về hiện tượng này. Theo đó, có đến 13 đời Thượng thư Bộ Lễ trong  gần 500 năm lịch sử của dòng họ Trần đình. Ngoài  việc phát quan, họ này còn phát đinh mạnh mẽ , có nhiều người là đại quan trong mỗi đời. Và được lý giải bằng giai thoại kỳ bí về phong thủy. 

Câu chuyện  này từng được mẹ tôi, cậu tôi đề cập vào những khi thuận tiện như ngày kỵ giỗ, việc họ ,việc làng...  Mẹ và cậu, gốc làng Hà Trung. Sau dời về làng Hà An , xã Gio Sơn , huyện Gio Linh , tỉnh Quảng Trị. Là con cháu  đời thứ 14  của dòng họ Trần đình. Mẹ năm nay 82 tuổi, tóc trắng phơ , da dẻ hồng hào , đẹp lão. Khí chất nóng nảy, bộc trực vẫn còn...Nhìn mẹ nhai trầu bỏm bẻm , trầm ngâm phía trước hiên nhà, nhiều khi chợt thấy  thấp thoáng đâu đó chút dáng xưa , hồn vọng ...

Mẹ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Sống và lớn lên với cậu cả ( tôi gọi là cậu Giáo - anh ruột mẹ tôi, đã mất ). Thời đó ( trước và sau năm 1945) cả nước loạn lạc  cùng với dòng họ sa sút , nên mẹ không được học hành dù rất sáng dạ , trí nhớ tới bây giờ ( 2016 ) vẫn cực tốt. Mẹ có khiếu văn nghệ, hát ru , hát ví rất hay.Thuộc nhiều truyện thơ dân gian như Thoại Khanh - Châu Tuấn , Thám Ba cứu chồng...

Nhớ những đêm trăng của Huế,  yên tĩnh nhẹ nhàng. Khi chiếc chiếu hoa mẹ trải xuống thềm lấp loáng bóng cau đêm, đu đưa mát rượi, là mấy anh em tôi được  nghe mẹ hát, kể những truyện thơ dân gian và tất nhiên có lần mẹ kể chi tiết về giai thoại và câu sấm kỳ bí của dòng họ Trần đình.

 

 

Mẹ kể:

Hồi nớ, xưa lắm. Có một gia đình thật nghèo , gồm hai ông bà và một đứa con trai sinh sống tại làng Hà Trung. Ông bà chất phát hiền lành.Bốn mùa lam lủ với rẫy nương.

Một hôm, có hai ông thầy địa lý người Tàu   lỡ đường xin tá túc . Ông bà niềm nở , tiếp đón. Nhà không có gì đãi khách , đành thịt con gà duy nhất để làm cơm.Tối , ông bà nhường giường chiếu cho khách, còn cả nhà lót rơm ngủ trên nền đất. Sớm dậy , hai vị khách trả tiền nhưng ông bà không lấy. Ái ngại, hai ông thầy địa lý giả vờ bỏ quên một túi nhỏ vàng nén, rồi từ giã ra đi.

Được một đoạn , hai ông thầy địa lý nghe tiếng người chạy vội phía sau, quay lại thì nhận ra người con trai của ông bà ấy cương quyết trả lại túi vàng bỏ quên.Nhìn cậu con trai cũng phúc hậu như ông bà cụ, hai vị thầy Tàu cảm động. Nên sau nhiều ngày du sơn hí thủy, họ quyết quay lại  trả ơn bằng cách gọi cậu con trai ra chỉ cho một huyệt mộ và bảo: "Nếu dịch lên một huyệt thì làm vua một đời, dịch xuống một huyệt thì làm quan nhiều đời". Khi an táng bố, phải đợi bao giờ có người đội nón bằng đồng đi ngang qua, thấy cá lên ngọn tre thì mới  hạ huyệt! Và phán một câu sấm:

" Bao giờ núi nọ hết cây

Sông kia hết chảy, họ này hết quan."

Núi nọ, theo mẹ là núi Cồn Tiên (  bây giờ gọi là độn Cồn Tiên - một đồi cát không  cây cối ). Và sông kia thì mẹ không biết tên .Lúc còn nhỏ mẹ chỉ thấy  là con lạch nhỏ, chảy yếu ớt qua làng. 

Sau này đọc bài của giáo sư N.L.T, câu sấm dài thêm:

"Bao giờ núi nọ hết cây

Sông kia hết chảy, họ này hết quan.

Bao giờ rắn sắt bò ngang

Tây kia kéo lại, hết quan họ này."

Câu chuyện ly kì được kể tiếp:

". Lúc ông bố mất, người con trai nhớ lời thầy địa dặn, quàng xác lại và  ngóng chờ. Từ sáng đến trưa, chỉ có người đội nón lá hay vải đi ngang qua, tuyệt nhiên  không thấy ai đội nón đồng, nón sắt. Chưa nói đến chuyện phải hiểu  như thế nào để gọi  là  con cá lên ngọn tre  nữa ! Quá trưa, bỗng trời đổ mưa. Một người mượn cái nồi đồng về, vì mưa nên chụp nồi đồng lên đầu chạy ngang qua. Lại có đứa bé đi câu, bị mưa nên vội  về, vai ôm cần câu tre có con cá treo lủng lẳng trên đầu cần chưa kịp gỡ. Cậu con trai  cho rằng  điều kiện thầy nêu đã ứng nghiệm và hạ huyệt .

 Khi chuẩn bị đắp mộ ,trời bỗng mưa to ,  mây đen kéo về che kín ,sấm chớp dữ dội khiến mọi người hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Sáng hôm sau , người con trai cùng con cháu ra đắp mộ thì huyệt bố , mối đã đùn lên thành nấm đất to lớn, vững chãi khác thường ( gọi là Thiên táng ).

Dòng họ Trần đình, sau đó có người làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại và xuyên suốt 13 đời từ đó. Đến giữa thế kỷ 20, khi Pháp cho người lên núi đốn cây và san lấp con sông ở làng Hà Trung nhằm  phục vụ cho dự án Đường sắt xuyên Việt đầu tiên, chạy qua làng...Ứng với câu sấm : " Núi nọ hết cây, sông kia hết chảy và con đường sắt ( rắn sắt ) bò ngang với sự hiện diện của người Pháp" thì dòng họ Trần đình từ đó  không còn ai " phát" về đường quan lộc ,dù nhiều người học hành giỏi giang, đỗ đạt.

Lời bàn

A. Về Lịch sử: Căn cứ vào Đại Nam Thực Lục (2) và Bách khoa toàn thư ( Wikipedia ), có thể khẳng định dòng họ Trần đình có nhiều người , nhiều đời là đại quan từ thời chúa Nguyễn. 

Theo GS. Nguyễn Lý Tưởng, gia phả họ Trần đình do ngài Thượng thư Bộ Lễ  Trần Đình Túc  (đời thứ 11) và con cháu đời sau tiếp ghi ( xin trích lại) :
1. Ngài thủy tổ tên là Trần Văn Đông vào đây đến nay đã 13 đời ( tính đến 1883), mở mang nghiệp trước, dìu dắt người sau..

.


         Ngôi mộ tổ ,ngài Trần Văn Đông - Một di tích lịch sử tại Gio Sơn , Gio Linh , Quảng Trị.

 Ông Trần Văn Đông sinh ra ông Trần Văn Lại, Trần Công Lệ và Trần Văn Nghinh. 
2. Ông Trần Văn Nghinh (đời thứ hai) sinh ra ông Trần Văn Khởi .

3. Ông Trần Văn Khởi (đời thứ ba) sinh ra Trần Hữu Ý (tức Quang).

4. Ông Trần Hữu Ý (đời thứ tư) sinh ra: Trần Hữu Chí, Trần Hữu Võ, Trần Hữu Đệ.Kể từ ông Trần Hữu Chí (đời thứ năm) cháu nội ông Trần Văn Khởi (đời thứ ba) thì dòng họ này bắt đầu phát quan. 

 

5. Ông Trần Hữu Chí ( đời thứ 5) - người làm quan đầu tiên của dòng họ đến chức Quang Tiến Thận Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh, Cai Hạp Lệnh Sử, Văn Minh Hầu tên thụy là Thận Trực  (  xếp vào bậc đại thần). Nhưng xem  trong Đại Nam Thực Lục tiền biên không thấy ghi.

Ngài Trần Hữu Chí sinh ra: Trần Hữu Phúc, Trần Hữu Lộc, Trần Đình Ân, Trần Hữu Huệ, Trần Hữu Hiến (đời thứ sáu).

 

6.Ông Trần Đình Ân ( đời thứ 6) làm quan đến chức “Tham Chính Chánh Đoán Sự, Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh,”  tước “Đôn Hậu Công Thần” Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh, Đông Triều Hầu thụy Thuần Thiện.”

Ngài có 12 người con trai: Đình Lang, Đình Nhậm, Đình Khánh, Đình Tiến, Đình Thuận, Đình Thoàn, Đình Mão, Đình Cường, Đình Quê, Đình Vơi, Đình Xu, Đình Đệ.

7. Ông Trần Đình Khánh (đời thứ 7) là con thứ ba của Trần Đình Ân, làm quan đến chức “Quảng Nam Cai Bạ Danh Thế Hầu,” là người có tài ăn nói, lý luận, viết văn... Trong 12 người con trai của Trần Đình Ân có đến 6 người làm quan lớn. Ông Trần Đình Khánh mất khi mới 34 tuổi, được tặng Đặc Tiến Kim Tử, Vinh Lộc Đại Phu, Thái Thường Tự Khanh, Thụy Thông Trí cũng còn gọi là “Danh Thế Hầu.” Năm 1825, vua Minh Mạng tặng “Trung Hiếu chi thần.” Năm 1845, vua Thiệu Trị tặng “Trung Hiếu Chi Thần” gia tăng “Liêm Minh Giản Trực Đoan Túc chi Thần,” giao cho làng Hà Trung lập miếu thờ.

 

  -Ông Trần Đình Thuận ( đời thứ 7) cũng được phong chức Cai Bạ Phó Đoán Sự trông coi Tướng Thần Lại Ty (Bộ Lại)... ( Đại Nam Thực Lục tiền biên - viện Sử học -1962- trang 162/163 )

 

8. Ông Trần Đình Ninh tức Hy (đời thứ 8) là con trai ông Trần Đình Khánh,làm quan đến Cai Bạ tỉnh Bình Thuận.Về sau được thăng Hộ Bộ kiêm Binh Bộ.” Ông được tặng tước Trụ Quốc Vinh Lộc Kim Tử Đại Phu, Chính Trị Thượng Khanh, Tham Chính “Thức Lượng Hầu.”

Khi  mất, được tặng “Đôn Hậu Công Thần, Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Chánh Trị Thượng Khanh, Tham Chánh Thức Lượng Hầu” tên thụy “Cung Thận.”

Ngài sinh được 10 người con trai: Đình Thận, Đình Bửu, Đình Hiến, Đình Úy tự Miên, Đình Lân, Đình Khâm, Đình Khôi, Đình Khoan, Đình Niệm.

 

9. Ông Trần Đình Thận (đời thứ 9) là con trai trưởng của ông Trần Đình Ninh (Hy) làm Quảng Bình Dinh Ký Lục, được thăng “Triều Liệt Đại Phu, Chánh Dinh Tri Bạ, Duệ Đức Hầu” là người học hành thông thái được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (Thế Tông) rất tin cậy.

Ngài sinh được 9 người con trai: Đình Lộc, Đình Hậu, Đình Anh, Đình Đệ, Đình Hoài, Đình Trí, Đình Ngọa, Đình Thiêm, Đình Trưng (đời thứ mười).

 

10. Ông Trần Đình Trưng tức Ngãi (đời thứ 10), là con trai thứ chín của ông Trần Đình Thận, giữ chức Hiệp Trấn Thái Nguyên, Hiệp Trấn Phú Yên được tặng “Trưng Tường Hầu,” sau thăng “Trung Phụng Đại Phu, Đô Sát Viện Tả Phó Đô Ngự Sử” khi mất, được cho tên thụy là “Trang Khải.”

Ngài sinh được 4 người con trai: Đình Khanh, Đình Túc, Đình Hanh, Đình Đắc .

 

11.  - Ông Trần Đình Túc (đời thứ 11) là con trai thứ hai của ông Trần Đình Trưng, làm quan đến Tổng Đốc Hà-Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), Thượng Thư Bộ Lễ, Khâm Sai Đại Thần, Hiệp Biện Đại Học Sĩ .

     - Ông Trần Đình Hanh (con trai thứ ba của ông Trần Đình Trưng) làm quan Tri phủ Vĩnh Tường.

 Ông Trần Đình Túc (đời thứ 11) sinh được 11 người con trai: Đình Thiện, Đình Thuật, Đình Trần, Đình Triệt, Đình Phát, Đình Võ, Đình Vỹ, Đình Thản, Đình Dậu, Đình Viên, Đình Thành.

 

12.- Ông Trần Đình Tân (đời thứ 12) con trưởng ông Trần Đình Khanh (anh của Trần Đình Túc) làm đến Suất Đội Thủy Sứ (Hà Nội) là một chức quan võ ở địa phương.

    - Ông Trần Đình Thiện (đời thứ 12) là con trưởng ông Trần Đình Túc làm đến Tri huyện Trấn Ninh.

    - Ông Trần Đình Phát (đời thứ 12) là con trai thứ 6 của ông Trần Đình Túc. Ông Trần Đình Phát làm quan dưới thời vua Thánh Thái và Duy Tân, lên đến Thượng Thư Bộ Hộ, sung Phụ Chính Đại Thần, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, tước “Lễ Môn Tử. Ông mất năm 1914 thời vua Duy Tân.

 

   - Ông Trần Đình Thản (đời thứ 12) là con trai thứ 8 của ông Trần Đình Túc làm quan Tri huyện Phú Vang (Thừa Thiên), Tri huyện Tuy Phong (Phan Thiết) tước Hồng Lô Tự Khanh rồi về hưu trí.

   - Ông Trần Đình Viên (đời thứ 12) là con trai thứ 10 của ông Trần Đình Túc, làm chức quan nhỏ, Hàn Lâm Viện Điển Tịch tại Quảng Nam.

 

13. - Ông Trần Đình Đống ( Thị Lang) và ông Trần Đình Kiểm (Tri Phủ)  là con của ông Trần Đình Phát (đời thứ 12).

      - Ông Trần Đình Khuyến (đời thứ 13) là người cuối cùng của dòng họ Trần đình "phát" về đường quan lại. Ông sinh năm 1885, học trường Hậu Bổ (Huế), làm quan đến chức Quản đạo Ninh Thuận và Tri phủ ở các phủ Bồng Sơn (Bình Định) và Anh Sơn (Nghệ An).


 











Anh Trần Trung- cháu đời thứ 15 của họ Trần đình.

Nhìn anh,vẫn còn đó nét oai nghiêm ,quắc thước của tổ tiên!

Nhận xét: 

Dòng họ Trần đình có mấy người làm Thượng Thư? Nếu gọi chính danh thì có 2 vị Thượng Thư: Thượng Thư Bộ Lễ Trần Đình Túc và Thương Thư Bộ Hộ Trần Đình Phát. Xét về phẩm hàm ,chức Tham Chính là Tòng nhất phẩm ( cụ Trần Đình Ân và Trần Đình Ninh), chức Thượng Thư là Chánh nhị phẩm ( theo Quan chế triều Nguyễn- Wikipedia), nên chức Tham Chính cao hơn Thượng Thư 1 bậc. Vậy có thể nói họ Trần đình có 4 vị Thượng Thư và 1 vị giữ chức phó của Thượng Thư ( Thị Lang - cụ Trần Đình Đống).  Nếu gọi là đại quan, chỉ có 8 đời và 20 vị ( ngài Trần Đình Ân có tới 6 người con là đại quan - theo Gia phả ). Xét thêm đời thứ 13 , họ Trần đình có đến 9 đời , 23 vị làm quan. Phúc họ Trần đình tới đó?

 

Tôi chỉ được xem phần tiền biên của Đại Nam Thực Lục viết về 9 đời chúa Nguyễn, thấy có ghi lại hoạt đông ,công lao của các vị Đình Ân, Đình Khánh, Đình Thuận , Đình Ninh ( Hy), Đình Thận ,đều được Chúa tin cậy phong tước Hầu ( một trong ngũ tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.), xếp vào bậc đại thần.Trong đó đặc biệt ngài Tham Chính Chánh Đoán Sự Trần Đình Ân (1626-1706) được lịch sử lưu danh trong sự nghiệp phò Chúa ở 2 điểm :

 

   * Dâng kế sách “Dĩ dư phá dư” (Lấy rỗng phá rỗng) giúp chúa Nguyễn Phúc Thuần  đánh bại quân Trịnh đang thế rất mạnh ở lũy Trấn Ninh vào tháng 8 năm Nhâm tý (1672) ( Đại Nam Thực Lục tiền biên - viện Sử học -1962- trang 115/116 ) 
   * Năm 1703, ngài xin từ quan. Theo lệnh Chúa, trước khi về quê , ngài chọn con rể  Nguyễn Khoa Chiêm ( 3), và nói với Chúa Nguyễn : " Đây là người đại dụng " . Được Chúa tin dùng, phong  tước từ vị Bảng trung tử  lên  Bảng trung hầu, thay ngài giữ chức đầu triều Tham chánh chính đoán sự . Trong khi đó, con và cháu  có trên 10 người cùng theo phò Chúa, nhiều vị là đại thần đảm đương trọng trách, nhưng ngài không tiến cử ai. ( Đại Nam Thực Lục tiền biên - viện Sử học -1962- trang 186/187).

Và người thứ 2 của họ Trần đình là ngài Thượng thư Bộ Lễ Trần Đình Túc ( 1816-1899 ), tổ đời thứ 11 được Bách khoa toàn thư ghi:

 " Là đại thần nhà Nguyễn (thời Tự Đức), từng giữ các chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà NộiNinh Bình), Hiệp biện Đại học sĩ. Ngài Trần Đình Túc là một trong những đại thần chủ chốt trong việc nghị hòa với người Pháp, khi Pháp xâm lược Việt Nam."

           


Ngài Thượng Thư Bộ Lễ  Trần Đình Túc

Ngài có những đề nghị mở mang như khai khẩn đất hoang tại Thừa Thiên và Quảng Trị, tăng thêm ruộng đất cho dân; mở cửa giao thương thay vì bế quan tỏa cảng để có tiền mua sắm máy móc, vũ khí, cho thanh niên du học để tiếp thu văn minh khoa học, kỹ nghệ, cơ giới, canh tân đất nước; trao đổi kinh nghiệm với phái đoàn Triều Tiên đồng hoàn cảnh nước nhỏ trước họa xâm lăng, lấn át của các cường quốc. 

          Khi đi sứ Hương Cảng về, Ngài dâng sớ tâu vua xin mở cửa biển Trà Lý thuộc tỉnh Nam Định nay là Thái Bình để mở mang việc giao thương cho dân chúng và ngoại quốc vào buôn bán, nhất là với nước Anh để làm thế quân bình ảnh hưởng giữa Anh và Pháp, tránh việc Pháp muốn sử dụng sức mạnh quân sự độc quyền xâm chiếm đất nước, nhưng vua do dự đưa ra triều đình hội nghị. 

Trong triều có nhiều vị quan chức tước cao hơn và có nhiều vị thủ cựu nên đề nghị bị bác bỏ bất thành. Sử sách cũng có ghi rõ.

Ngài còn sáng tác bộ Tiên Sơn chủ nhân toàn tập ( 4), gồm có : Thi, Văn, Sớ, Biểu, Thơ Giản. Cộng tất cả 19 quyển.( theo Trần Đình Tài - Non Nước Bình Khê)

( Còn tiếp )






  

    16.09                 BÀN VỀ GIAI THOẠI  VÀ CÂU SẤM KỲ BÍ 

                                   CỦA DÒNG HỌ  TRẦN ĐÌNH.             Kỳ II

 

B. Về giai thoại và câu sấm:

           Không chỉ có họ Trần đình, trong lịch sử Việt Nam những dòng họ danh tiếng khác đều có những giai thoại,câu sấm ( gọi chung là giai thoại) kỳ bí chung một mô-tip .Mô- típ đó, có thể liệt kê theo trình tự như sau:

1- Chủ nhân là người nghèo khó, hiền lành , phúc hậu.

2. Thầy phong thủy ( địa lý) xuất hiện.

3- Nhờ đức cao, phúc dày nên được an táng vào huyệt mộ cực tốt về phong thủy.

4- Hiện tượng "Thiên Táng" hay  ngôi mộ tổ kết.

5- Con cháu sau đó  đỗ đạt ,làm quan ,giàu sang phú quí  nhiều đời.

6- Xuất hiện những câu sấm kỳ bí .

          Những giai thoại đó tồn tại trong dân gian theo kiểu: "Tương truyền....". Không xác định  tác giả , thời điểm ra đời và tuồng như ai cũng có thể tham gia thêm thắt câu chuyện . Giai thoại luôn gắn liền  với các sự kiện lịch sử, hiện tượng địa lý ( gọi chung là sự kiện lịch sử). Mối quan hệ giữa giai thoại và các sự kiện lịch sử, là mối quan hệ theo kiểu quả trứng và con gà. Quả trứng có trước hay con gà có trước? Chẳng ai xác định được. Chỉ thừa nhận rằng, giai thoại đã khiến cho lịch sử trở nên sinh động, thú vị  hơn .Làm thỏa mãn tính hiếu kỳ  dân gian. Phù hợp với tư tưởng " Mệnh Trời" của Nho giáo, vốn được xem chuẩn mực trong  xây dựng, phát triển đạo đức xã hội ở các triều đại phong kiến. " Bất tri mệnh ,vô dĩ vi quân tử" ( Không hiểu mệnh trời , không đáng gọi quân tử) Vì vậy, ngoài dân gian lưu truyền, giai thoại còn được các nhà sử học, các bậc túc Nho xưa ghi chép cẩn thận.



Câu chuyện 1:    Ngài Thượng Thư, Hiệp Biện Đại học Sĩ Trần Đình Túc ghi trong gia phả :

          “Sự trạng ngài Trần Văn Khởi: Ngài vốn người thành thật, chăm việc điền viên. Một hôm có hai thầy địa lý, một người là Lê Phúc Hoàn, người làng Xuân Mai, tỉnh Nghệ An; người thứ hai là Trương Đình Thận, người làng Cao Lao, tỉnh Quảng Bình, nhân đi coi địa lý thường nghỉ lại nhà ông. Đến khi ra đi, hai thầy ham coi sơn thủy vui cảnh lâm tuyền, bỏ quên túi bạc lại. Hai ông bà lật đật đi tìm, đưa trả túi bạc lại. Hai ông thầy cảm phục tấm lòng trung hậu nên chỉ cho chỗ đất tốt ở xứ Lãng Phao và có dặn rằng: Ngày sau ông bà trăm tuổi, bất luận ngày tháng nào, cứ theo hướng ấy mà hợp táng, thì con cháu đời đời hưởng phúc ấm no vô cùng. Nói rồi, hai thầy từ biệt ra đi. Sau y phép ‘hợp táng’ ấy là đất phát phúc họ ta kể từ đó.” 
 

Mô-tip câu chuyện gồm có: 
           1. Ngài là người thành thật, chăm chỉ.
           2. Xuất hiện 2 thầy địa lý ( dù không phải người tàu).
           3. Nhờ lòng trung hậu nên có huyệt tốt và hợp táng.
           4. Con cháu làm quan nhiều đời...

 

Câu chuyện 2: Ngôi mộ Triệu tổ Nguyễn Kim

 Trong Đại Nam Thực Lục tiền biên, bản dịch viện Sử học- 1962, trang 27 có ghi việc an táng Triệu tổ ( cụ tổ Nguyễn Kim ) theo khuôn mẫu trên: " Tương truyền huyệt đào trúng hàm rồng, khi đặt quan tài xuống thì cửa huyệt ngậm lại. Bỗng trời nổi mưa gió sấm sét, mọi người sợ chạy. Đến lúc tạnh trở lại thì đá núi vùi lấp, cỏ cây xanh tốt, không nhận được là táng nơi nào nữa. Đến nay có việc ( cúng tế) chỉ trông vào núi tế vọng thôi." 
Mô-tip câu chuyện gồm có: 
            1- Huyệt mộ là hàm rồng.( cực tốt về phong thủy)
          2- Hiện tượng "Thiên Táng" .
          3- Dòng họ sau đó phát 9 đời chúa và 12 đời vua ( Hơn 500 năm ).

Câu chuyện 3:  Họ Ngô 10 đời đỗ đại khoa.


          Tại làng Vọng Nguyệt  xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có dòng họ Ngô 10 đời đỗ đại khoa.Tương truyền hơn 500 năm trước, một thầy địa lý Trung Hoa chỉ cho cụ tổ họ Ngô lệnh tộc là cụ Ngô Nguyên đến một khu đất tốt hướng dẫn xây nhà thờ họ để con cháu sau này hiển vinh. Địa điểm đặt nhà thờ ứng với 2 câu sấm của thầy địa lý là “vườn quýt, ao Lác”. Địa điểm đặt nhà thờ tổ họ Ngô trong giai thoại , hiện vẫn còn trên nền vườn quýt, ao Lác xưa trong làng Vọng Nguyệt.
           Câu chuyện được kể tiếp về cụ tổ bà Chu Thị Bột (tức cụ Thí Thóc, người ban phát thóc cứu giúp cho dân nghèo - vợ cụ Ngô Nguyên). Tương truyền cụ tổ bà mất trong một đêm mưa to gió lớn nên con cháu phải quàn tạm ở đầu làng để sớm mai chôn cất. Lạ thay chỉ sau một đêm mà mối đùn đất quanh thi hài thành một đống lớn. Con cháu cho rằng trời cho mảnh đất thiêng nên cứ thế đắp thành mộ, gọi là mộ thiên táng. Chính vì được thiên táng nên cụ tổ bà càng thêm linh nghiệm phù hộ cho con cháu họ Ngô được hiển vinh lâu dài trên đường học vấn.
          Khi cụ tổ bà Chu Thị Bột qua đời, hai con trai mỗi người một chí. Con trưởng là cụ Ngô Ngọc (1451-1519) ở lại Vọng Nguyệt tu chí học hành, con thứ là cụ Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An) lập nghiệp, cũng học hành chăm chỉ.
         

Từ đó con cháu họ Ngô phát về đường khoa bảng.

1. Cụ Ngô Ngọc đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp). Khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487),  

2. Cụ Ngô Nhân Hải (chưa rõ năm sinh, mất - con cụ Ngô Ngọc) đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508). 

3.Cụ Ngô Nhân Trừng (1539-1593, cháu nội cụ Ngô nhân Hải) đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580); 

4.Cụ Ngô Nhân Triệt (chưa rõ năm sinh, mất , con trai cụ Ngô nhân Trừng) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607); 

5.Cụ Ngô Nhân Tuấn (1595-?, Con trai cụ Ngô Nhân Triệt) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640).
  Nghe nói nhánh thứ 2 của họ Ngô lệnh tộc đứng đầu là cụ Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An) cũng học hành chăm chỉ và cũng có 5 đời đỗ Tiến sỹ. Không thấy ghi tên cụ thể.

Mô-tip câu chuyện gồm có: 
1- Chủ nhân là người có phúc phận.
2. Thầy phong thủy ( địa lý) xuất hiện.
3- Nhờ đức cao, phúc dày nên được nơi thờ tự gia tộc cực tốt về phong thủy.
4- Hiện tượng "Thiên Táng" cụ tổ bà.
5- Con cháu sau đó  đỗ đạt ,làm quan đến 5 đời( hay 10 đời). 
6- Xuất hiện câu sấm kỳ bí " Vườn quýt, Ao Lác"

  Nói về họ Ngô tộc Nói về họ Ngô lệnh tộc , nhà bác học Phan huy Chú phải thốt lên:" Họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt kể từ cụ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức , cả thảy có 5 đời đỗ tiến sĩ thực là hiếm có xưa nay! " ( Theo Thanh Tú - Bắc Ninh Online).

Câu chuyện 4: Gia đình họ Nguyễn nhân có 5 anh em đỗ đại khoa

Sử sách ghi chép gia đình họ Nguyễn Nhân là gia đình thuộc làng Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh có 5 anh em ruột lần lượt trở thành tiến sĩ lúc dưới tuổi 20, chỉ trong vòng chín năm từ 1466-1475: 
  1.Cụ Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Hoàng Giáp, năm 1466 khi mới 15 tuổi. Ông làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại.
   2.Cụ Nguyễn Nhân Bỉ đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1466, khi 19 tuổi. Ông từng được cử đi sứ nhà Minh và sau này được thăng lên làm Thượng thư bộ Binh. Ông cũng là thành viên trong hội Tao Đàn, (hội Thơ - PV) do vua Lê Thánh Tông lập ra.
  3.Cụ Nguyễn Nhân Phùng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1469 khi 19 tuổi. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc chưởng viện sự kiêm Lễ bộ tả thị lang. Ông cũng là thành viên trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.
  4.Cụ Nguyễn Nhân Dư đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1472 khi mới 17 tuổi.Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ.
  5.Cụ Nguyễn Nhân Đạc đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1475 khi 18 tuổi. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo.

          Riêng cụ Nguyễn Nhân Thiếp lại có tới 3 người con đỗ tiến sĩ là Nguyễn Hoành Khoản (đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất năm 1490), Nguyễn Nhân Huân (đỗ bảng nhãn năm 1496), Nguyễn Nhân Kính (đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất năm 1496).Và nghe nói dòng họ Nguyễn có 18 vị tiến sĩ ,trong đó có tới 7 vị làm tới chức Thượng thư. 

Vua Lê Thánh Tông còn phong gia đình Nguyễn Nhân 8 chữ vàng là " Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều" ( Dòng họ Kim Đôi áo đỏ,áo tía đầy triều).

 

Và để giải thích việc đỗ đạt kỳ lạ này ,tại làng này tồn tại một câu chuyện kỳ lạ không kém:

          Tương truyền rằng, khi cụ Hay ( mẹ của 5 tiến sĩ ) nhặt được túi vàng của người Tàu bỏ rơi . Mấy ngày sau cụ thấy có một người vừa khóc lóc, vừa như tìm kiếm một thứ bị mất. Hỏi ra mới biết là người đó đang tìm túi vàng bị rơi cách đây vài ngày. Cụ Hay đem trả lại cho người đó túi vàng. Mấy năm sau người bị mất túi vàng đó trở lại Việt Nam với một thầy địa lý người Tàu ( lại thầy địa lý người Tàu). Họ trả ơn cụ bằng cách tìm một khu đất tốt để cụ táng mộ ông bà, cha mẹ vào đó và nói rằng, con cháu sau này nhất định sẽ được hưởng lộ.
          Lúc bấy giờ thầy địa lý Tàu có tìm tới hai khu đất quý, một là khu đất đế vương (nhưng chỉ phát trong một đời) và một khu đất trường trường công khanh ( tương tự câu chuyện huyệt mộ tổ họ Trần đình). Thầy địa lý Tàu cho cụ Hay lựa chọn và cụ đã chọn mảnh đất để sau này con cháu nối nhau làm nên sự nghiệp. Mảnh đất đó hiện nay thuộc xã Phao Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và nay vẫn còn ngôi mộ mà cụ Hay táng cha mẹ mình ở đó. Hiện tại, khu đất đó có 3 ngôi mộ là mộ của cụ Hoàng Phụng Thế (ông nội cụ Hay), cụ Hoàng Chân Bảo (bố cụ Hay) và Nguyễn Nhân Thiếp

(con trai cụ Hay).
Mô-típ câu chuyện gồm có:
1- Chủ nhân là người hiền lành , phúc hậu.
2. Thầy phong thủy ( địa lý) xuất hiện.
3- Nhờ đức cao, phúc dày nên được an táng vào huyệt mộ cực tốt về phong thủy.
4- Con cháu sau đó  đỗ đạt ,làm quan  nhiều đời.

Câu chuyện 5:   Dòng họ  Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Tương truyền rằng: tại làng Đại Phong (tục danh Đợi), huyện Phong Lộc (sau đổi thành huyện Lệ Thủy), tỉnh Quảng Bình, ông nội cụ Ngô Đình Diệm là cụ Ngô Đình Dinh (gốc ở huyện Quảng Ninh) nghèo lắm, vợ chết sớm. Xin đến tạm trú làng Đại Phong với một đứa con trai mới 6 tuổi, được làng cho làm sai dịch ở đình làng. Mỗi khi có việc làng thì đun trà rửa chén… Chẳng may do bệnh tật đói rét mà chết. Làng cho trai đinh bó chiếu chèo thuyền đưa lên núi chôn. Đến bến Kéc (chân núi An Mã) thì trời sập tối. Lúc trai đinh khiêng xác lên một đoạn thì nghe tiếng hổ gầm, sợ quá khoét vội một chỗ lấp tạm định bụng sáng mai lên chôn lại. Hôm sau chèo thuyền lên thì mối đã đùn thành gò lớn. Các bô lão cho là thiên táng nên để vậy. Còn đứa con trai 6 tuổi mồ côi cha được một cố đạo người Pháp ở làng Mỹ Phước nhận nuôi. Đứa con trai đó sau này là Thượng Thư trong triều Nguyễn, ông Ngô Đình Khả thân sinh ông Ngô Đình Diệm. 

          Mô típ câu chuyện gồm có:

1- Chủ nhân là người nghèo khó.

2- Hiện tượng "Thiên Táng" hay  ngôi mộ tổ kết.

3- Con cháu sau đó  đỗ đạt ,làm quan.

Và dòng họ  Ngô đình phát quan từ đó.

1- Cụ Ngô Đình Khả - Thượng Thư Bộ Học (1898 ) ,Hiệp tá Đại học sĩ ( 1902 ) triều vua Thành Thái. 

2-Cụ Ngô Đình Khôi (1885-1945) -Tổng đốc Quảng Nam, triều Nguyễn.

3-Cụ Ngô Đình Diệm ( 1901 hay 1897? - 1963.) - Thượng Thư Bộ Lại triều Bảo Đại. Tổng Thống Đệ Nhất  VNCH  ( 1955 ).

4-Cụ Ngô Đình Thục (1897-1984) - Đức Tổng Giám mục.

5-Cụ Ngô Đình Nhu (1910-1963 ) - Cố vấn Tổng thống VNCH

6-Cụ Ngô Đình Cẩn (1912-1964) - Cố vấn cao nguyên Trung phần VNCH

7-Cụ Ngô Đình Luyện (1914-1990) - Luật sư và Đại sứ VNCH tại Anh, Hà Lan, Bỉ.

( Theo Tạp chí Khoa Học Huyền Bí số 1B(75) ngày 20 tháng 1-1975 )


          Sông Kiến Giang, đoạn ngang qua ngôi mộ cụ Dinh

Ngoài ra có giai thoại về Ngôi mộ tổ họ Ngô Đình” ba lần bị chạm long mạch, làm con cháu lao đao rồi tuyệt tự. 

Về phương diện phong thủy, ngôi mộ kể trên đã vào vị trí trung điểm của núi sông Lệ Thủy: 

- Phía Nam có núi An Mã dẫn về Bến Trấm, Bến Đẻ. 

- Phía Tây có núi Đầu Mâu hướng về biển Hạc Hải. 

- Phía Đông Bắc long mạch theo sông Kiến Giang lên Tróc Vực. Ngôi mộ được kết phát nhưng không có người viếng thăm.

          Theo một vị sư già trong đoàn chư tăng về làm lễ cầu siêu cho Lễ thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (chôn gần đó),thì vùng đất này  về Dương trạch là thế đất sinh vương. Hai làng Đại Phong và An Xá ( làng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ) nằm trên vùng đất này.  Về Âm trạch chí ít cũng sinh công hầu , khanh tướng.  Vì là vùng đất thiêng nên ngoài mộ chí họ Ngô, còn có  họ Võ ,họ Hoàng ( Hối Khanh) họ Nguyễn (Hữu Cảnh).Tiếc thay, vùng đất bị cày xẻ dọc ngang , đào kênh dẫn thủy bởi phong trào khai hoang Bến Tiến. Trong bài " Quảng Bình quê ta ơi! " của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu: “Có ai về Đại Phong, xin vô ghé thăm vùng Bến Tiến. Taу cuốc khai hoang đã đẩу lùi quá khứ nghèo nàn . Ngôi mộ tổ bị cắt đứt long mạch, khiến con cháu lao đao và dòng họ Ngô tuyệt tự.( Theo Lệ Thủy- Địa linh nhân kiệt)

  


                                    Hói làng Đại Phong - 

                      một trong những cách trấn yểm long mạch

 

 

 

Câu chuyện kể rằng thủa xa xưa, năm 1530, nhà Mạc có 4 vị quan đầu triều, thì 3 vị là người tổng Đại Phong. Mạc Đăng Dung sai thầy địa lý xem thế đất Đại Phong thấy hình dáng chim phượng hoàng,cho rằng thê đất phát đế vương, nếu không kịp yểm thì có cơ lấn át cả triều đình. Mạc Đăng Dung cho đào một con mương cạn dài từ Mũi Viết để “mổ diều” cho phụng chết. Đến thời nhà Lê, thầy địa lý lại phán, phụng bị nhà Mạc mổ diều nhưng chưa chết, đình Đại Phong dựng nơi đầu phụng nên làng này vẫn có khí đế vương. Đất ấy từ xưa đến nay đã có nhiều quan to văn võ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quê Lộc Thủy nằm trong vùng cánh phượng. Thuật phong thủy cho rằng, Âm trạch yên ổn, con cháu sẽ phúc lộc và ngược lại sẽ bị tổn hại nếu nhẹ . Nặng thì tuyệt tự. Và qua câu chuyện, ta thử suy ngẫm thực hư xem. 

 

- Chạm long mạch lần 1 (1939 ): Nhà tư sản lúa gạo người Đồng Hới, tên là Paul Ngọc, đã mua vùng đất Ba Canh, dưới chân An Mã để canh tác. Ba Canh không phải vùng màu mỡ thuận lợi để sản xuất lúa gạo nên Paul Ngọc đã cho đào mương dẫn thủy làm chấn động mạch khí. Mặc dầu việc thủy lợi dở dang nhưng liền đó Ngô Đình Diệm bị Bảo Đại cách chức Thượng thư Bộ Lại thu hồi tất cả phẩm trật huy chương vì trái mệnh triều đình chống đối Hoàng đế. Cùng với sự thất sủng của ông Diệm, ông Ngô Đình Khôi đang làm Tổng đốc Quảng Nam bị viên Phó Toàn quyền Nouailletas gây khó.

 

- Chạm long mạch lần 2  (1944 ): Paul Ngọc mời được một kỹ sư canh nông Nhật và tiếp tục công trình dang dở. Liền đó, ông Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Quảng Nam cùng con trai Ngô Đình Huân bị thủ tiêu năm 1945. Khi đó việc thủy lợi của Paul Ngọc lại dang dở lần nữa do Đồng minh đánh Nhật, mọi việc đều đình đốn, các kênh dẫn thủy nhờ thời gian yên ắng đã được đất bồi lại, long mạch được hàn gắn phần nào. Ông Võ Nguyên Giáp (đồng hương với họ Ngô) Bộ trưởng Nội vụ và ông Vũ Đình Hòe Bộ trưởng Giáo dục CP Lâm Thời, ký sắc lệnh số 21 ngày 08/9/1945 bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm giám đốc Nha lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Ông Nhu từ chối. Năm 1951, ông Diệm sang Mỹ, ở New Jesey vận động cho những mục tiêu chính trị riêng.

- Chạm long mạch lần 3 (1961): HTX Đại Phong xây dựng lá cờ đầu nông nghiệp, khai hoang Bến Tiến, đào kênh đẫn thủy, đào hầm hào ở chân đồi An Mã. Việc hành quyết ông Diệm, ông Nhu thì ai cũng rõ. Ngô Đình Cẩn đang ở Huế, nghe tin anh bị đảo chính tá túc vào nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế ngày 02/11/1963 nhưng không thoát, tới ngày 16/4/1964 bị xử bắn. Ông Ngô Đình Luyện thoát vì đang ở London. Ông Ngô Đình Thục phải lưu vong, sau đó ông đã vi phạm việc tấn phong Giám mục bất hợp thức, được giải vạ năm 1984 trước khi mất vài tháng. Các phần mộ gia đình họ Ngô ở Sài Gòn cũng không được yên, phải di dời tới nơi mới như hiện nay.                                                     ( Theo Lệ Thủy- Địa linh nhân kiệt)

          Câu chuyện chạm long mạch họ Ngô cũng tương tự câu chuyện chạm long mạch ngôi mộ cụ tổ khiến sự nghiệp  ba anh em nhà Tây sơn Nguyễn Huệ đang ở đỉnh cao , thân thế lẫy lừng, bỗng lụi tàn nhanh chóng và tuyệt tự.

( theo Tử Vi và tướng Số - Facebook)

 

 

Lời kết: 

          Nói như GS. TS  Ngô Đức Thịnh - viện trưởng viện Nghiên cứu văn hóa dân gian : Những câu chuyện nêu trên chỉ là " những giai thoại dân gian". Mà đã là dân gian ,câu chuyện tồn tại nhờ vào  truyền miệng, rồi có thể thêm bớt chút yếu tố tâm linh, thần thánh hóa phần nào câu chuyện ,nhằm thỏa mãn nghe và giải thích các hiện tượng trên.
         

Tâm hồn con người Việt Nam cứ như nghìn vạn cánh chim, bay bổng thênh thang trên những cánh đồng bát ngát. Sức thi vị tưởng vô cùng.Người nghệ sĩ Việt Nam nhiều không đếm hết, từ dân dã đến hàn lâm. Nguồn nghệ sĩ dân gian là vô tận, từ đời này sang đời khác, không dứt  không nguôi . Họ để lại cho đời cả kho tàng văn

hóa dân gian đồ sộ, phong phú và  cực kỳ quý giá! 
         

Yếu tố lịch sử và câu chuyện vẫn dựa vào nhau  như Con gà - quả trứng. Không đủ cứ liệu để có độ tin cậy, cũng như không đủ cứ liệu để bác bỏ hoàn toàn. Các hiện tượng lạ thường, đầy yếu tố  tâm linh vẫn còn đó trong đời sống chúng ta. Người xưa không hẳn vô lý, khi ghi chép lại. Như ngài Thượng Thư - Hiệp biện Đại học sĩ Trần Đình Túc trong Gia phả; các vị đại thần chủ biên trong Đại Nam Thực Lục cho con cháu nghìn sau... 



(1) GS. Nguyễn Lý Tưởng:  Sinh năm 1939 ,tại Quảng Trị. Là Giáo sư Trung học. Sau năm 1975 định cư tại Mỹ. Ông viết văn , làm thơ, biên khảo và dịch thuật. Các tập truyện biên khảo đã in ấn như: Thuyền ai đợi bến Văn Lâu, Đưa em tới chốn nhà Hồ, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên ( dịch thuât)...

 

(2) Đại Nam thực lục : là bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn. Đại Nam thực lục gồm 584 quyển, viết bằng chữ Hán thể văn ngôn và ghi chép các sự kiện lịch sử tới năm 1925  (không bao gồm vua Bảo Đại).

Ban đầu, bộ sách mang tên "Đại Nam thật lục" . Tới đời vua Thiệu Trị, chữ “ thật” bị đổi và đọc là "thực", vì  kỵ húy với tên của chính thất của vua Minh Mạng là Tá Thiên Hoàng hậu, thân mẫu của vua Thiệu Trị.

Đại Nam Thực lục Chính biên ghi chép các sự kiện lịch sử từ khi Nguyễn Ánh làm chúa (1778) đến đời Đồng Khánh (1887), và sau này được viết thêm đến đời vua Khải Định (1925).

Cả hai phần Tiền biên và Chính biên của bộ sử Đại Nam thực lục được soạn bắt đầu từ năm 1821 (năm Minh Mạng thứ hai), sau 88 năm đến năm 1909 mới cơ bản hoàn thành (gồm toàn bộ phần Tiền biên và 6 kỷ đầu phần Chính biên).

 (Theo Wikipedia)

 

(3) Họ Nguyễn khoa : Ông tổ họ Nguyễn Khoa, là cụ Nguyễn Đình Thân (1553-1633), vốn  người ở làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương).

Cụ Thân là tướng trải qua hai triều chúa  Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên.  Cụ Nguyễn Đình Khôi (1594-1678) con cụ Thân, tước Thuần Mỹ nam. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ chúa từ vùng Bắc Thuận Hóa về làng Kim Long (huyện Hương Trà, Thừa Thiên), cụ Khôi cũng đến nhập tịch ở huyện ấy và được chúa Nguyễn cho đổi thành họ Nguyễn khoa ( Ý chúa, sẽ là dòng họ khoa bảng sau này) . Và quả thật  từ đó, con cháu họ Nguyễn Khoa  thay nhau làm quan cho các chúa Nguyễn.

- Cụ Nguyễn Khoa Danh (1632-1697), con cụ Khôi, tước Cảnh Lộc bá.

- Cụ Nguyễn Khoa Chiêm ( 1659 -1736) là con cụ Danh và bà Lê Thị Am. Là con rể của ngài  Tham chính chánh đoán sự Trần Đình Ân. Ông được cha vợ giới thiệu với chúa Nguyễn Phúc Chu và được chúa tin dùng. Năm 1724 ( Giáp thìn) ,ông nhận chức Tham chính chánh đoán sự thay cho cha vợ tuổi già. Ông cũng là một danh sĩ giỏi thơ văn, là tác giả cuốn Nam triều công nghiệp chí, soạn vào năm 1719.

Và con cháu họ Nguyễn Khoa sau này đều là những đại thần có công trong sự nghiệp phò chúa , không thua kém gì con cháu họ Trần Đình:

- Nguyễn Khoa Đăng ( 1690-1725): Làm đến chức Nội Tán kiêm Án Sát Sứ, Tổng Tri Quân Quốc Trọng Sự, tước Diên Tường hầu. Nổi danh là người mưu lược và đức độ. Hưởng dương 35 tuổi.

- Nguyễn Khoa Thuyên (1724-1789): là võ tướng đời chúa Nguyễn Phúc Thuần. Làm đến chức Tham chính coi bộ Hộ và bộ Binh.

- Nguyễn Khoa Kiên (?-1775): Là võ tướng nổi tiếng trí dũng, người đời xưng tụng là “ Triệu Tử Long”. Sau lần phò chúa vào Gia Định, ông bị quân Tây Sơn bắt giết. Chúa Nguyễn Phúc Ánh vô cùng thương tiếc và phong tước Kiệt tiết Công thần, Chiêu dũng Tướng quân.

- Nguyễn Khoa Minh ( 1778-1837): Làm Thượng thư bộ Lễ, tước Thành Mỹ Hầu.

- Nguyễn Khoa Hào ( 1799-1849): Làm tới chức Thượng thư bộ Lễ và bộ Hình.

- Nguyễn Khoa Toàn (1899-1965):  Là Bộ trưởng Giáo Dục và Thông Tin của quốc gia Việt Nam thời vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.

- Nguyễn Khoa Văn ( 1908- 1954): Ông là nhà báo, nhà lý luận Mác-xít và phê bình văn học Việt Nam. Bút danh là Hải Triều , nổi danh với cuộc bút chiến “ Nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh”,  “ Duy tâm hay duy vật” xảy ra ở giai đoạn 1930-1945 với những cây bút đương thời nổi tiếng khác như Thiếu Sơn, Phan Khôi, Trương Tửu..

- Nguyễn Khoa Điềm ( sinh năm 1943): Là nhà thơ nổi tiếng. Là bộ trưởng bộ Văn hóa - Thông tin. ông có nhiều tập thơ đạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam như: Ngôi nhà có ngọn lửa ấm ( 1986), Cõi lặng (2007)...

- Nguyễn Khoa Nam (1927 - 1975): Là  tướng lĩnh  Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng. Từng  đảm trách Tư lệnh một trong 4 Quân đoàn và Quân khu 4 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông đã tự sát.

Hai họ Trần đình và Nguyễn khoa đến nay vẫn giữ tình thông gia như thuở ngàn xưa. Hằng năm đến ngày  giỗ chạp , hai họ đều đến  viếng thăm nhau thâm tình...

 

 

(4) Tiên Sơn thi tập: Là một phần trong bộ sách Tiên Sơn chủ nhân toàn tập( 19 cuốn) gồm các loại  Văn, Sớ, Biểu .Tiên sơn thi tập là tập thơ chép tay, viết bằng chữ Hán . Có khoảng 260 bài thơ, chủ yếu theo thể  Đường luật .Tạm chia theo 2 phần Xướng họa và Vịnh cảnh, vịnh sự, vịnh người... Hiện vẫn chưa được phiên âm và dịch ra thơ toàn bộ. Nghe nói cụ Trần Đình Tài ( cháu đời thứ 5 của ngài Trần Đình Túc), định cư ở Mỹ đang trăn trở xúc tiến phổ dịch và in ấn, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Thật ra trong thời buổi này,  kiếm cho ra một vị  uyên thâm về Hán học, có một tâm hồn thi ca đồng điệu với người xưa và không còn vướng bận chuyện cơm áo để chuyên tâm vào phổ dịch  cho Tiên Sơn thi tập ,quả là.. gần như không thể !

Có vài vị tâm huyết phổ dịch như Linh Đàm, Hạ Thái Trần Quốc Phiên cố gắng, nhưng vẫn không quá 10 bài!

Noi gương các vị, bằng tình yêu và sức mọn , bằng niềm hoài vọng và cảm phục với tổ tiên, dựa vào phiên bản của Linh Đàm ,tôi thử... một bài! Trân trọng giới thiệu mọi người:

 

辛未元旦識筆

 

和風淑氣遍東西
明媚江山入品題
邊澗王春齊慶節
蒸民夀域喜同躋
尋芳未暇登梅嶺
賞勝剛逢過竹批
遥憶京中随鷺序
重賡閎雅咏鳬鷖

陳廷粛

( Trích Tiên Sơn thi tập)

 

 

 

 

TÂN MÙI NGUYÊN ĐÁN THỨC BÚT

 

Hòa phong thục khí biến đông tây

Minh mị giang sơn nhập phẩm đề

Biên giản vương xuân tề khánh tiết

Chưng dân thọ vực hỷ đồng tê

Tầm phương vị hạ đăng Mai Lãnh

Thưởng thắng cương phùng quá Trúc Khê

Dao ức kinh trung tùy lộ tự

Trùng canh hoành nhã vịnh phù ê!

                                        ( Linh Đàm phiên bản)

 

 

 

XUÂN TÂN MÙI  KHAI BÚT              

 

Một buổi chiều tây , gió thuận  hòa
Lòng xuân xao động, bước chân ra

Ngắm núi, nhìn non  mừng tiết mới

Làng xóm yên vui  khói lượn nhòa.

                                     Hồn có lần mơ lên Mai Lãnh

Trúc Khê mới đó đã bao lần…

Ngưỡng vọng kinh thành về phương ấy

Cánh cò thanh thoát một đường bay !

 

                                                                                    Bàng Lư  dịch.

 




















BỨC 4: CÕI TÔI

Lòng đi trong cõi người ta
Lòng đi, đi mất. Đi là đi đi! .- BG




14.13               ĐIỆU BUỒN SỚM MAI
Sớm quê- một miền bảng lảng khói xa, ai trộn với sương gần. 
Châm ấm trà thơm,
ta mở bài Điệu buồn phương Nam -
một lần nữa" lắng nghe cung đàn..."
để " thổn thức dưới trăng mơ màng ..."
Rồi  "chợt thương con sáo xa bầy,sương khói buồn ..." 
cứ  mặc lòng   ta!











Mắt người khép lại.
Một cõi người ta bát ngát lung linh.
Những phận đời nhấp nháy, những tình yêu côi dại lang thang
 như  "cháy lên trong dạ muôn ngàn tâm sự .." 
như  "hát  lên một lần để một đời xa nhau.. sáo ơi !"










MỚI ĐÓ

 Hồi đó ta làm thơ
Cụ ông ngồi nhấp trà
Cô con gái mộng mơ
Đời run như hơi thở!

***

Hồi đó ta đẹp trai
Còn cụ ông đẹp lão
Cô con gái xinh gái
Ai cũng đẹp như ai...

***

Mới đó...ba mươi năm
Ta bây chừ đẹp lão
Cô con gái đẹp lão
Anh trai cô đẹp lão
Cụ ông đã xa rồi!                            
                                               
                              




14.14      MƠI TA VỀ QUÊ

Mơi ta về quê!
Mơi về ...
Rứa là  về với mẹ; rứa là  về với cõi trăng riêng .Tóc bạc nửa đời tự dưng nghe lòng như mới lớn; tự dưng nghe tình mình như gió thổi, mới đâu đây ...
Ta yêu quê như yêu mẹ, yêu ruộng như yêu trăng .Bao la, hồn hậu vô ngần.

Về với quê là về với mẹ. Cuộn vào lòng mẹ, tìm chút hơi ấm bình yên. Ta là người lả đi, được mẹ mớm cho chén cháo thâm tình.Vậy là suốt bữa cơm chiều hôm đó, có  bao nhiêu buồn vui cay đắng đời cho, cứ chậm rãi tỉ tê  róc rách.
Ta biết, mẹ lại lắng nghe rồi nín lặng. Nín lặng như nỗi cam chịu nhọc nhằn vốn có .Nín lặng như để cưu mang, chia sẻ nhiều hơn với đứa con xa ...

Về với quê là  về với trăng, về với con đường cát trắng giữa rừng khuya.
Chỉ về với quê, mới thấm được cái mát của gió trời lồng lộng; mới tắm được cái màu  đích thực của trăng - cái màu xanh bát ngát, chao ôi. Màu của ca dao và hồn người lục bát ...
Bên trời chừ còn lại trăng.Con đường chừ còn lại ta, lọt thỏm giữa hai cánh rừng cao su vằng vặc.Bốn bề tám hướng mười phương, nín lặng.Nín lặng như để chứa chan hơn trong đồng điệu .Nín lặng như để vút bay cho thỏa ngát cõi hồn.

Về với quê là về với vài bằng hữu vô phận, vô danh. Người ta nói "rượu vào, lời ra", còn bọn hắn thì ngược lại.
Hồi còn học cấp ba, những đêm trăng sáng như đêm nay, một thằng thường lên bổng, xuống trầm; nức nở  từng đoạn, từng câu trong thơ văn của Bùi lão tiên sinh. Nghe hắn nói, nhìn hắn biểu cảm, cứ tưởng như đang đi với một lão Bùi.
Cũng những đêm trăng sáng như đêm nay, một thằng cao hứng ngâm thơ.Đặc biệt với  bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan, ta nghe như ai đó cắt đi từng đoạn ruột của mình.Nghe hắn ngâm, đủ biết đời hắn khổ.Giọng ngâm đã vận vào đời hắn.

Màu trăng rồi sẽ dịu thêm.Gió sẽ dịu đi.Con đường thưa thớt bóng.Ta lại nghe cay cay cho mỗi phận đời. Nó kiêu bạc làm sao!. Một thằng chừ tóc trắng phơ, nổi bật lên trên khuôn mặt cân đối, đen sì.Hắn có cái mũi thanh tú thẳng phô giữa hai hố mắt thăm thẳm, nâu tuyền hệt như  Rabindranath Tagore - nhà hiền triết Bà La Môn người Ấn khổ hạnh, đa tình.Một thằng  chỉ đợi ta về để mà thăm thẳm.Khuôn mặt hắn như trang nhật ký mới toanh về Thân phận hay Tình yêu sau mỗi lần gặp lại ...

Rượu lại rót ra, rồi rượu vơi đi .Bọn hắn,mỗi thằng - vẫn một cõi riêng. Bốn bề tám hướng mười phương, nín lặng.Nín lặng như "ý tại ngôn ngoại". Nin lặng lại như mọi điều từ đó mới vỡ lẽ ra thêm.
Xét cho cùng, niềm vui hay hạnh phúc đều tự lòng ta mà có.Ừ thì vậy, Thôi mơi ta về ...
Mơi ta về quê!







16.08  NGHE BÀI HÁT "TÌNH NGHÈO" TRONG CHƯƠNG TRÌNH   SOLO 

VÀ BOLERO CỦA ĐÀI TRUYỀN HÌNH VĨNH LONG.

 

          Tình cờ xem lại vòng chung kết chương trình Solo và Bolero của đài truyền hình Vĩnh Long năm 2015.Ở vòng này, ca khúc nào cũng hay, hấp dẫn bởi sự dàn dựng công phu, hòa âm phối khí chuẩn và bởi các giọng hát thật hay, điêu luyện, nồng nàn...

     Cho đến bài Tình Nghèo,sáng tác năm 1954 của nhạc sĩ Phạm Duy , trong phần " Tuyệt phẩm song ca" qua giọng hát Đỗ hải Hường - Nguyễn thị Thúy Huyền thì mới thật sự trỗi dậy một điệu rung kỳ lạ , đọng mãi trong lòng người nghe.


Giọng hát Thúy Huyền trong reo như suối ban mai, ngọt dậy lúa thì.Giọng hát Hải Hường - giọng hát của bờ tre cuối làng mát rượi, hoang ru...Nên ta nghe đâu đó thăm thẳm tình quê,lay động cả hồn non hồn nước! 

          Giọng hát đó, vượt qua cả hai giọng hát gạo cội Duy Khánh - Thanh Tuyền trước năm 1975 và trở thành chuẩn mực cho lớp lớp mai sau nếu như muốn đến với ca khúc Tình Nghèo. Đúng như lời nức nở của cô ca sĩ Ý Lan - thành viên ban giám khảo:" Nếu như có nhạc sĩ Phạm Duy ngồi đây,ông sẽ rất hãnh diện...".



          Bài Tình nghèo được phổ từ ý thơ bài Chày Tre Cối Đất của nhà thơ Hồ Hán Sơn (*)  khá hay, cảm động, viết ra trong giai đoạn năm 1951-1954. Và bài thơ thật sự nổi tiếng từ khi bài hát Tình Nghèo được phổ biến. Phải nói cho sòng phẳng, hồn thơ trong Chày Tre Cối Đất đã gợi lên chất liệu và mở ra một giai điệu chất chứa  niềm quê, trong tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ tài năng:


Nhớ thuở
Anh cày thuê 
Em dắt trâu 
Gánh nước dưới cầu
Gặp nhau
Một cỗ trầu cau
Nên đôi chồng vợ.

Túp lều tre nứa
Dựng cuối vườn làng
Hai mùa lúa chín ngô vàng

Chày tre cối đất rộn ràng thâu canh..."


Tuy nhiên, nhạc sĩ chỉ giữ ý thơ để phát triển bài hát. Với thần thái đó , ông viết thêm một đoạn theo giai điệu trong khổ nhạccũng  giàu chất thơ, cảm động và đẹp:

 

Ơ..! Nước từ ngàn trùng xa
Nước tràn về làng ta
Nước hờn cuộc tình quê
Ruộng màu tan vỡ
Vườn nghèo xơ rơ
Cửa nhà ngơ ngác
Ôi trẻ thơ, đi về mô?
 
Ơ..! Khói lửa ngụt trời mơ
Bốc về ngàn nẻo quê
Kéo cuộc tình nghèo đi.
 
Giặc về ta đánh
Giặc tràn ruộng xanh
Tình nghèo mỏng manh

Đừng chia rẽ đôi lứa mình!

    Nét độc đáo trong việc phổ nhạc ở bài này của ông là chọn một điệu hò mở đầu và kết thúc bài hát. Điệu hò được cách tân làm hấp dẫn,lạ và bất ngờ cho người nghe...

Hò là hò lơ...( giọng nữ).
Hó là hó lờ...( giọng nam).

Ta liên tưởng đến  Hò lơ Nam bộ: 

"Hò lơ... hó lơ...
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ

Họ lờ... hó lơ..."

    Hoặc Hò lơ ( còn gọi Hò Cấy lúa) ở Huế. Mặc dù chưa được nghe Hò Cấy lúa của Huế,nhưng ta tin ông chọn điệu hò Huế để dẩn dắt bài hát.Vì sao? vì xét trên phương ngữ ca từ và giai điệu bài hát, hò Huế đồng điệu hơn!

    Hò lơ Nam bộ nói chung, hay hò Cấy lúa miền Tây Nam bộ nói riêng thường vui nhộn , khỏe khoắn và trên tinh thần " có sao nói dzậy",trong sáng rõ ràng.Trong khi hò Huế nhìn chung thiên về nội tâm ,xa xăm tình tự.Tình yêu đôi lứa luôn ý tứ ,e ấp ngại ngùng ...

    Một nét độc đáo nữa,ông đệm chữ " là " trong câu hát khi đưa vào giai điệu, khiến người nghe ngất ngây : 


Nhớ nhớ thuở nào 
Anh (là) cày thuê 
Em (là) dắt trâu 
Đôi ta cùng (là) gặp nhau dưới cầu. 
...
Ruộng màu (là) tan vỡ 
 
Vườn nghèo (là) xơ rơ 
 
Cửa nhà (là) ngơ ngác 

 Ôi! (là) trẻ thơ 
Đi (là) về mô ?
...

Giặc về (là) ta đánh 
 
Giặc tràn (là) ruộng xanh 
 
Tình nghèo (là) mỏng manh 
Đừng chia rẽ đôi lứa mình! 

 Âm " là " này nghe giống trong điệu Cò Lả - một làn điệu hát ru dân ca đồng bằng Bắc bộ:

 

Người về (là) về có nhớ... 
Nhớ.. nhớ ta chăng ?
Ta về (là) về ta nhớ 
hàm răng (chứ ) răng mình cười.

Tình tính tang.. là tang tính tình...
Cô mình rằng: (ới) anh  chàng ơi 
Rằng có nhớ (là) nhớ hay không? 
Rằng có biết (là) biết hay không? 


    Tài hoa người nghệ sĩ dân gian là  viết ra giai điệu hay và viết dặm độc đáo trong câu hát  .Có giai điệu vẫn mãi mãi sau này. Có giai điệu sau đó phát triển, cải tiến theo từng thời kỳ, từng vùng miền... nhưng nghệ thuật chọn chữ dặm cho câu hát trong làn điệu thì bốn ngàn năm vẫn mãi  như xưa. Ví dụ như chữ "ư" trong Hát Bội, chữ "ơ" trong Cải lương, chữ "a" trong câu kinh Phật , chữ " i " trong hát Quan họ v.v...


Ta thử nghe câu hát  trong bài " Năm liệu bảy đong":

Những là năm liệu bảy đong

Lòng em thương mến  đành lòng sang chơi...

 theo làn điệu dân ca Quan họ:

" Những là năm liệu i i i i rằng i i i iii ơ ờ bẩy là bẩy ơ a bẩy bẩy đong, ơ a những là năm liệu bẩy đong i i i iiiii. 

Lòng em ơ là em thương mến i i i ii a i i i ii đành ơ ơ a đành i a ơ đanh đành lòng i i đành lòng sang chơi..."

          Quyến rũ vô cùng. Nghe, rồi đu theo những i i i iii của làn hơi Quan họ lúc nào không biết! Những Thúy Hường , Thúy Cải... lần lượt hiện ra với nét đa tình của người con gái Kinh bắc.Cái đa tình là  cái cốt lõi trong những làn điệu dân ca và trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã học nghệ sĩ dân gian cái đa tình đó và đem cái đa tình đó vào câu hát một cách sáng tạo, làm nên cái riêng cho mình...

Giai điệu Tình Nghèo đã khiến giọng hát Hải Hường - Thúy Huyền phát tiết. Trước đó và sau này không thể hay hơn với những bài hát khác.Ta phải chùng xuống khi nghe Hải Hường hoang ru:

Ruộng màu (là) tan vỡ 

Vườn nghèo (là) xơ rơ 

Cửa nhà (là) ngơ ngác 

Ôi! (là) trẻ thơ 

Đi (là) về mô ?

    "Đi.. là.. về ..mô..?" . Câu hát chới với, cung điệu ma mị và giọng hát xuất thần !

    "Đi là về mô?" - Thúy Huyền đuổi theo bằng chất giọng sáng, long lanh sắc màu...khiến cả hai bỗng... đẹp ra ! Họ nhập vai một đôi vợ chồng quê son trẻ, loạn lạc giữa quê nghèo .Nhìn mà cảm động.., nghe mà rưng rưng..."Đừng chia rẽ đôi lứa mình..." .

    Cả không gian lắng xuống...Ta thấy có một tình yêu chơn quê lấp lánh giữa vô ngần!
Từ đó ta về...
Có vị độc giả hỏi tôi đã lâu:" Từ đó là từ đâu, anh về?" . Chừ  đây tôi trả lời: " Từ đó là từ... đây, tôi về!..". 

    Ta về mô
    Bờ trúc lơ thơ chiều dại...
                    ( Từ Đó Ta Về )



(*): Nhà thơ Hồ Hán Sơn : tên thật Hồ Mậu Đề. Bút danh : Trần Hồng Nam. Sinh năm 1929 ở Nghệ An. Qua các trường ở Huế rồi tham gia kháng chiến, chiến đấu ở Liên khu IV. Cựu sinh viên trường Lục quân chiến thuật Liễu Châu, sau về thành viết báo, xã thuyết, làm thơ, biên khảo chính trị quân sự. 1952 ông vào Sài Gòn cộng tác với tuần báo Đời Mới, tham gia chính trị trong một đảng phái ở miền Nam (Cao Đài). Năm 1955, vì lý do chính trị bị thủ tiêu ở Bến Kéo (Tây Ninh)

    Ngoài làm thơ ,ông còn viết sách như:Nghệ Thuật Chỉ Đạo Chiến Tranh (Hà Nội, 1953), Thế Giới Thứ Ba Bùng Nổ, Nước Việt Nam Về Đâu? (Hà Nội,1954).

(Nguồn: Internet.)





 






 

 

 

 

 

 




BỨC 3:  HỒN CỐ QUẬN



" Từ ngày em ở anh đi
Lời dâng cố quận cũng tùy tình em!
" BG



PHÔI PHA

Khi ta viết là ta hát về em
Ngày đó sương khói phôi pha
Tiếng guốc vọng giữa chiều vạn dặm
Câu chữ rẩy run đến tận bây chừ

Tiếng hát mai này sẽ lắng đi
Đời xao động một lần rồi vô chung vô thủy!








CHIỀU XANH
Ngn nng ấm nh có sương giăng
Hương lên tóc nh mùa hoa v
Có buổi chiu xanh ngi nhóm la
Nh li quên ,tiếng l mùa xưa.












    14.07   THỬ TÌM HỒN BÙI GIÁNG TRONG THƠ VĂN CỦA ÔNG   - Kỳ 1

  Trong thơ văn Bùi lão tiên sinh,không phải hồn Bùi Giáng lúc nào cũng hiển hiện.Có lẽ vì lý do đó, thơ văn Bùi lão, tuồng như không có bài hay trọn vẹn, những trang viết toàn bích.
Bùi giáng trong một sớm thoáng đãng, dịu yên
Và không phải lúc nào ta cũng có thể  thấu hiểu,nắm bắt được ý lão nói gì. Vậy mà không biết tại sao cứ phải lang thang theo lão, hết bài này qua trang nọ tới cuốn sách kia ...tràng giang đại hải, giữa nắng giữa trưa như những cánh chuồn chuồn, mỏng manh  màu sắc, thoắt đậu thoắt bay, ẩn hiện bên dậu rào  tuổi thơ  xa ngái?
Chỉ có hồn Bùi Giáng mới quyến rũ ta , mới dìu ta mải mê như thế!
Vậy hồn Bùi Giáng là gì? 
  Là thứ  điệu rung đặc trưng...Bùi Giáng!. Một điệu rung giữa truông ngàn hắt hiu và ruộng đồng cô quạnh.Giữa đỉnh núi mù sa và vực thẳm khói lay.Giữa "ba người con gái ,chiêm bao bên bờ cỏ châu Phi" (1) và bát ngát một mẫu thân Phùng Khánh(2).Giữa "em Mọi nhỏ" mắt rú, chân rừng  và kỳ nữ điệu đàng phố thị Kim Cương ...
Điệu rung ấy là thứ điệu lạ nhưng không xa, trong trẻo hồn nhiên mà lung linh sâu lắng.Có khi chợt sáng lên, mênh mang màu nắng lụi ; có khi là sương quyện ngút ngàn giữa sớm hoàng hoa...Cũng có lúc ồn ào "xoang điệu Đười Ươi" , lúc lặng lẽ xa xăm  niềm cố quận.

                                                ***

  Trong thơ văn Bùi lão, có lẽ ồn ào  nổi tiếng nhất là tập thơ đầu tay MƯA NGUỒN, xuất bản vào năm 1962. Trong đó,được bàn tán sôi nổi là những bài như: Chào nguyên xuânPhụng hiến, Nỗi lòng Tô Vũ...và nhiều bài khác nữa ,được lão viết ra bởi  thứ ngôn ngữ lóng lánh ban sơ, trong một sớm thoáng đãng, dịu yên ở cõi hồn.
Đọc thơ lão, ta chớ vội vàng. Cứ đủng đỉnh thong dong, "lai rai theo điệu" như lão chỉ bảo. Không nhất thiết phải hiểu, đừng đặt câu hỏi tại sao. Rồi ta sẽ chợt  nghe tiết điệu tuôn trào, vang đi và dội lại đâu đó giữa rú rừng kia...Chao ôi, hồn Bùi Giáng!...
Ta thử vào bài Nỗi lòng Tô Vũ :
Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh.
Có phảng phất lan man đôi chút.Vừa đọc,vừa lơ mơ như đang nghe lời thầy giảng giữa tiết văn trong buổi học yên ắng, lặng chìm...Thử gắng hơn nữa:
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi vọng be be...

  Không hay lắm.Câu chữ có lạ trong lối xưng hô nhưng không lóng lánh.Tiết điệu không chảy tuôn hương màu Bùi giáng cô liêu .Không sóng sánh màu trăng , không chát ngọt dị thường như tách trà Tân Cương ban sớm. Chỉ nghe be be vang vọng núi đồi ...
...Em nhớ hay không? hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa...

Ôi chao, hồn Bùi lão đây rồi!
Cả khổ thơ,tuôn chảy tiết điệu xa xăm.Và từng chữ thấm đẫm hương màu Bùi Giáng!

"Em nhớ hay không?"- một câu hỏi ưu tư thật dịu dàng, sao ta nghe da diết.Nửa có lẽ trách, nửa nghe như thương nên đành để ngậm ngùi...Độ lượng đó,khoan dung đó mà xa xót tận cùng bên dại cỏ hồn hoa
Người con gái khói bay chưa một lần hay biết, hay chưa một lần tự hỏi: Nhớ hay không. Người con gái là trời xa, là viễn mộng sẽ không một lần tự hỏi nữa đâu.
Và người thi sĩ cô đơn hướng về đầu núi , nơi cuối truông ngàn và giữa cõi trăng khuya đã thành biểu tượng vô ngần cho một tình yêu vời vợi. 
Chẳng cần phải nói gì thêm hay viết gì thêm, hình ảnh đó sẽ đẹp mãi với mai sau và lóng lánh với ngàn sau ,ơi mãi người con gái!...
 Em nhớ hay không?
                           hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi...

  Cả khổ thơ là một bài thơ.Cả khổ thơ là bức tranh thủy mặc, rạng ngời nước non truông đồi Trung Phước: Luống  ngậm ngùi đầu núi canh khuya ; con nai rừng đầu truông, giật mình màu trăng tỏ... Gió của ngàn, cây của núi và mộng của thi nhân...giữa khuya thanh đành sầu tan mộng rụng. Một nhát chém hư vô,tan lìa dưới "lá trút cây rung"!.
Gió cây rung
                 trút lá
                           mộng tan lìa...
  Ngắt câu thơ ra từng đoạn như thế, đọc câu thơ theo từng đoạn như thế, ta nghe được thanh âm Bùi Giáng và tự hỏi có nỗi niềm nào đành đoạn nữa hơn?

  Từng chữ trong câu thơ, ngời lên với vẻ đẹp của câu. Khi đọc " hồn hoa dại cỏ", ta biết ngay hai chữ "cỏ dại" từ nay chỉ là từ... vô hồn, tan tành thanh âm cung bậc. Nếu như hai chữ " cọng buồn" được Trịnh tình cờ viết ra năm xưa  thì " dại cỏ" như một lời quen, thốt ra từ lão.Nói là lời quen, vì ta gặp rất nhiều đảo ngữ trong tác phẩm, được lão sử dụng một cách tự nhiên, thuần thục đến nỗi người đọc cũng phải quen mắt quen tai, gọi là "Bùi ngữ" .Ví dụ từ " lịch sử" thành " sử lịch", từ " thể hiện" thành " hiện thể"... hoặc như tên Kim Cương, lão đảo thành ...Cương Kim đầy ngẫu hứng rất riêng, buộc các nhà nghiên cứu xem như một trường phái trong văn chương, gọi tắt là " Bùi phái"!. 
Chẳng ai trách được lão, bởi lão có tự xưng là thi sĩ Bùi Giáng đâu, lão chỉ là đười ươi - một Đười Ươi thi sĩ. Hơn nữa, thơ văn lão viết ra chỉ dành cho lũ châu chấu, chuồn chuồn hoang dại bên triền đồi Trung Phước (3).Cũng như chẳng cãi được, khi lão gọi những động tác quậy phá ngoài đường của lão là xoang điệu - những xoang điệu long lanh của Đười Ươi thi sĩ!
  Ngoài " dại cỏ", lão còn đảo từ " sợ hãi" thành " hãi sợ" đúng theo gu và tiết điệu. " Lìa tan" thành " tan lìa",vận vào câu thơ,ta nghe như"đành đoạn" hơn,"oan uổng" hơn với sầu tan mộng rụng...
Tuy nhiên, câu cuối của khổ thơ nếu viết lại :

Gió cây rung
                    lá trút
                            mộng tan lìa...

Từ "trút lá" thành "lá trút" làm câu thơ vang vọng hơn giữa rừng sâu núi thẳm canh khuya. Ở câu này, ta thấy Gió cây và Lá là hai chủ thể quyết liệt,làm nên một "sầu tan mộng rụng".Bỏ lại ánh trăng suông khuya khoắt tiếng trùng xa và một bóng dáng thi nhân ngậm ngùi, gãy đổ: 

Nhìn sông rồi cho sông chảy
Nhìn mây, đành để mây bay...(4)      ( còn tiếp)


(1): Thi sĩ Bùi Giáng viết bỡn cợt : tặng "Ba người con gái..." trong lời tựa của tập thơ Mưa Nguồn .

(2): Mẫu thân Phùng Khánh:   Là Thích Nữ Trí Hải, tên thật là Công tằng Tôn Nữ Phùng Khánh - nổi tiếng tài hoa, thông tuệ và xinh đẹp. Sinh năm 1938 tại Huế trong gia đình vọng tộc ,đệ tử của Sư Trưởng Thích Nữ Diệu Không - một danh ni của Phật giáo VN.
Vì sao thi sĩ Bùi Giáng gọi là mẫu thân? Ta xem đoạn diễn giải của lão trong Thi ca tư tưởng: "...
Phùng Khánh vốn là bà mẹ Việt Nam. Tôi lại là con dân Việt Nam. Vậy thì tất nhiên Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy. Nếu tôi không nhận Phùng Khánh là mẹ, thì chẳng ra tôi là người Lào? Hoặc là người Cao Miên? Hoặc con dân Âu Mỹ ư ? Huống nữa là: Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật?". Bó tay với lão!

(3):Tập Thi ca tư tưởng - Bùi Giáng.
(4): Bài "Người đàn ông "- Tập thơ Sương thầm Khói muộn








                14.06                HÃY NÓI LỜI CỦA CON TIM
                                                       ( Bài viết  cho" THÁNG CÔNG NHÂN" )


  Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội cần thiết trong mỗi doanh nghiệp ngày nay. Với vai trò cầu nối, là chỗ dựa cho cả hai phía: Người sử dụng lao động và người lao động,tổ chức Công đoàn ngày càng khẳng định vị thế của mình.Công tác dân vận gần như là công việc chủ yếu của tổ chức Công đoàn.Nơi nào công tác dân vận tốt, nơi đó tổ chức Công đoàn vững mạnh.
  Mục tiêu của công tác dân vận là: Luôn tạo mối quan  hệ lao động  hài hòa ,tiến bộ và ổn định  giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.Tham mưu, hướng dẫn chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt chính sách, chủ trương của Nhà Nước.Là chỗ dựa đáng tin cậy cho từ hai phía.Người sử dụng lao động tin cậy, sẽ lắng nghe và phó thác. Người lao động tin cậy, sẽ lắng nghe và gởi gắm nguyện vọng tâm tư.
  Để thực hiện tốt trọng trách đó, người cán bộ dân vận hãy sống và làm việc bằng chữ TÂM.
Chữ Tâm bao gồm các yếu tố: Nhân cách- Chân tình-Kiến thức, kỹ năng và Nhân sinh quan.Các yếu tố này luôn có mối quan hệ khắng khít,hòa lẫn vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau theo quy luật Nhân - Quả.Nhiều khi ta không còn phân biệt đâu là yếu tố này , yếu tố kia; đâu là Nhân , là Quả.

1.Nhân cách: 
  Nhân cách là gì,ai cũng biết. Một thực tiễn cho thấy,đó là một trong những yếu tố có tính quyết định hiệu quả trong công tác dân vận.Nhân cách ngoài tư chất có sẵn, chủ yếu phải học tập, rèn luyện.Toàn bộ năng lực và phẩm chất của một nhân cách, đều được thể hiện qua việc đối nhân, xử thế.Phù hợp với đạo đức xã hội thì tín nhiệm lòng dân lên cao. Phù hợp với tập quán, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng mỗi vùng sẽ tạo nên sức thuyết phục lớn.
Tôi lấy ví dụ, làm công tác dân vận vùng Xóm Mới- Kiên Giang, phải biết hút thuốc lào.Vì đó là vùng nổi tiếng thuốc lào ngon. Vì đó là niềm tự hào về đặc sản - Là "miếng trầu " mở đầu câu chuyện của người dân nơi đây.Không thưởng thức được thuốc lào, thì thôi đừng...dân vận gì nữa.
  Về công tác dân vận vùng Bạc Liêu - Cà Mau, phải biết nhấm tí rượu trắng và Đờn ca tài tử.Có lần để thuyết phục người nhà cho một cô công nhân có khiếu văn nghệ ở lại tập luyện sau khi tan ca tối, tôi phải đến tận nhà cô ấy.Sau khi chăm chú nghe tôi trình bày ý nguyện chuyến thăm, lão ( cha cô công nhân) không nói gì mà ngoái ra nhà sau:" Bà ơi, có "lãnh đạo" sắp nhỏ tới thăm nè. Bà làm tí gì lai rai coi.".

Nói xong lão xách ra can...rượu, ngồi xuống sàn nhà  thong thả:" Chú em ngồi xuống lai rai tí đã!". Không  cần biết tôi sẽ như thế nào, lão gọi vói anh Tư hàng xóm qua, chủ yếu cho xôm tụ theo cách nói của lão.Rượu đi vài tua, tôi nóng lòng đưa câu chuyện về mục đích chuyến thăm mấy bận nhằm biết ý lão. Nhưng lão cứ lờ đi.Anh Tư lừng lững về nhà xách qua cây đàn ghi-ta cổ, dạo một hơi mùi mẫn theo thể điệu Xuân tình, rồi ngửa mặt lên trời vào luôn lớp 1:
 Giang san cẩm tú ...
Của giống Rồng Tiên -  xinh đẹp tuyệt vời 
 Nằm bên bờ biển Thái Bình Dương 
Cõi Á Đông sáng chói nét oai hùng .
 Khắp núi sông của con Hồng, cháu Lạc ứ..ự...ự..
Có biết bao phong cảnh hữu tình...

- Chú em làm vài câu được không?
- Dạ được.Dạo giúp em" Nói Lối" và 3 câu sau của bài Tình anh bán chiếu.
- Dzậy hén! Chèng ơi, dzui quá!. Vợ lão hứng khởi lên tiếng.
Tôi nhả ngọt bốn câu Nói Lối.Anh Tư, trang trọng ngậm đàn chờ.Lão chủ nhà dựa hẳn vào phên thưa với đôi mắt xa xăm.Trước không khí yên ắng, đợi chờ như vậy, tôi tự tin vào câu 4,tiếp luôn câu 5 và ngọt ngào câu 6 bằng cả tâm, cả hồn và cả...rượu.Giọng vang , hơi đủ. Những Xề ,Xang... tôi dìu đi tận chốn, tận nơi.Cả nhà xuýt xoa, khen nức nở.
Sau đó,thêm vài tua rượu mừng , tôi chẳng còn biết mô tê gì nữa.Hình như họ dìu tôi lên chiếc võng kế bên. Tôi chìm đi giữa gió mặn biển khơi và những điệu buồn phương Nam man mác.
Sớm, vừa mở mắt đã nghe lão nói:" Chú làm chén cháo cho ấm cái bụng". Rồi bất ngờ từ tốn nói:" Tôi giao sắp nhỏ cho chú, văn nghệ văn gừng gì  cũng được. Chú dạy nó!". Tôi mừng và lo vì lòng tin của lão.Tôi cám ơn và xuống đò ra về. Anh Tư hàng xóm chạy sang: " Ủa, "lãnh đạo" dzìa hả? Wởn...Wơ..ởn.. ghé tụi tui chơi à nghen!" " Dạ".

2. Chân tình:
  Chân tình là một trong những thuộc tố quan trọng, thắp sáng lên một nhân cách.Chân tình là cởi mở, gần gủi, biết lắng nghe, biết đắn đo ưu tư trước khi nói lời chia sẻ.Người cán bộ chân tình, thường là người có lòng nhân ái.Biết vui với niềm vui của dân. Biết đau với nỗi đau của quần chúng.
Ngọn gió thời buổi đa đoan, dù có phả xuống tận gốc chân rạ đồng khô, người lao động miệt vườn vẫn còn đó nguyên sơ nét chơn chất, thật thà. Hãy nói với họ bằng lời của con tim, đừng nói bằng lời của Nghị quyết.Bác Hồ từng viết:"“Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”(1)
Huống chi khi đến với doanh nghiệp, họ chân đất, đầu trần.Bàn tay, bàn chân nứt nẻ, toe toét như bờ ruộng khô. Có người một chữ bẻ đôi còn không có.Làm sao ta có thể nói:" Các đồng chí phải quán triệt tinh thần Nghị quyết này...để..." một cách lạ lẫm xa rời? Họ không hiểu "quán triệt" là gì thì làm sao quán triệt?Nói thiệt, họ ngồi nghe như nghe gió bờ xa,mơ hồ thảng thốt.Dân không hiểu thì dân không tin.Dân không tin, dân sẽ không hưởng ứng..

3.Kiến thức- Kỹ năng:
  Yếu tố kiến thức được xem là  nền tảng, là mảnh đất mầu mỡ cho các yếu tố khác nẩy mầm, xanh tươi.
  Có kiến thức sâu rộng mới có một đời sống nội tâm phong phú.Có một đời sống nội tâm phong phú mới dễ dàng cảm thông, chia sẻ với nỗi khốn khổ, vướng mắc của người dân. Giải quyết việc gì cũng cân nhắc giữa tình và lý.
Người cán bộ có đời sống nội tâm thường nghĩ ngợi, xem xét lại việc mình đã làm; tự mình rút ra những điều chưa phải , chưa đúng với lương tâm , trách nhiệm.
  Có kiến thức sâu rộng mới có khả năng kết hợp với các yếu tố khác nhuần nhuyễn trong công tác dân vận.Đặc biệt là yếu tố kỹ năng.Người cán bộ dân vận phải giỏi về kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp. Từ kinh nghiệm hay bản năng ban đầu,kỹ năng giao tiếp được chú trọng nâng cao như một bộ môn nghệ thuật.
  Nghệ thuật giao tiếp là sự phối hợp nhịp nhàng ,đúng lúc đúng nơi, có tác dụng bổ trợ lẫn nhau giữa các kỹ năng nhỏ:
  - Kỹ năng lắng nghe ( Cử chỉ ,nét mặt, ánh mắt...)
  - Kỹ năng chia sẻ ( Thái độ, cảm xúc, lời nói, ngữ điệu...)
  - Kỹ năng truyền đạt ( Tác phong , trang phục ,giọng nói, bối cảnh....)
  -...
  Có lần tôi thấy, một vị đại diện cho tổ chức từ thiện LSX cùng với doanh nghiệp viếng thăm gia đình khó khăn trong dịp cuối năm. Vị này má phấn môi son chăm chút.Áo Pun, quần Jean sáng chói.Chân đi vớ cao với giày gót cao.Trông phản cảm, nếu không muốn nói là tàn nhẫn với gia đình được thăm. Cho quà , người nhận cám ơn. Còn tin vào lòng nhân ái thì không.Tôi đoan chắc như thế. Và  không chừng họ mong, thôi lần sau đừng... đến nữa.
Đi với họ, cảm thấy ngượng ngùng...Công việc từ thiện như một nghề mưu sinh vậy.Cách thể hiện ấy cho thấy họ thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Thiếu cả cái tâm cho công việc đòi hỏi giàu lòng nhân ái này
  Có kiến thức sâu rộng sẽ giúp người cán bộ  tự tin hơn ,sinh động hơn, thu hút hơn trong dân vận.Nắm bắt nhanh chóng, dễ dàng sự việc phát sinh. Từ đó đưa ra phương án xử lý chính xác ,kịp thời và tại chỗ. Góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

4. Nhân sinh quan:
" Xin chào nhau giữa con đường..."(2)
Tôi xem câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng như một triết lý nhân sinh.
Nhân sinh là gì? Cứ lấy ngay chữ mà hiểu là đời sống con người.Nhân sinh quan là cái nhìn về đời sống đó.Triết lý nhân sinh là quan điểm về cái nhìn đời sống nói trên. Từ đó mới có cái nhìn tích cực hay tiêu cực, lạc quan hay bi quan. Có cái nhìn lạc quan không thiết thực và lạc quan thiết thực.Người cán bộ dân vận phải có cái nhìn lạc quan thiết thực.Lạc quan  là động lực , thúc đẩy ta trong hoạt động. Thiết thực luôn giúp ta, có cái nhìn soi thấu niềm mong mỏi của người dân.
 Trở lại với câu thơ của Bùi lão tiên sinh.Đó là câu thơ thấm đẫm nhân tình.Nó biểu hiện một tình cảm  lạc quan, một tinh thần trọng Lễ giữa con người với con người trong xã hội Việt Nam , tự bao đời vốn có.Dù rằng lão viết  để chào Nguyên xuân(3) nhưng nó hiện hữu trong đời sống mỗi ngày khi gặp gỡ hay  nơi hội ngộ. Mọi người gặp tôi : " chào chú, chào anh...".  Tôi chào họ :" Chào con, chào anh , chào chị..." một cách thân quen giữa con đường, lối ngõ. Câu thơ ấy đã từ lâu, hồn nhiên nơi cửa miệng.Cứ tan thấm vào mọi người, vào tôi không biết tự bao giờ!


(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb  CTQG, H, 2000, tập 5; tr.300

(2):Chào Nguyên Xuân - Bùi Giáng

(3)  Nguyên xuân: Nguyên xuân không phải là mùa xuân đầu tiên như diễn giải  trong bài "Chào Nguyên Xuân - Bản tình ca mùa xuân" của Thạc sĩ Đỗ anh Vũ .Theo tôi, Nguyên xuân là cái thuở ban đầu của Xuân, còn gọi là đầu xuân .Nếu coi Xuân là  ngọn suối thì Nguyên xuân là đầu nguồn của ngọn suối đó.Không phải chỉ trong bài Chào Nguyên Xuân, mà xuyên suốt những Mưa Nguồn , Nghìn Thu Rớt Hột...thi sĩ luôn  hướng tới, nơi  tinh khôi nhất của buổi đầu ban sơ ; nơi an nhiên lóng lánh vô ngần  trong một sớm, của một Tình yêu hay một mùa Xuân nào đó đang về.



























BỨC 2: SẮC KHÔNG

Chiều không một sắc trong trong 
Niềm thương, nỗi nhớ lại cong một vùng. - BG


13.12     SỚM TÀN THU
Em không nghe mùa thu ... (*)
Sớm tàn thu 
Đọc câu thơ giữa sớm tàn thu
Ta chợt nghe ,có một mùa thu vọng về một mùa thu xa lắm! 
Thu bây chừ  mù mịt 
và bờ kia khói lạnh vương tàn ... 
Ta về mô... bờ trúc lơ thơ chiều dại
Người về mô... thu vắng lá vàng!











Sớm tàn thu
Ta uống trà giữa sớm tàn thu
Ngộ ra bước chân thời gian thầm lặng. 
Ngộ ra mùa, ly biệt buổi tàn thu.
Ngộ ra cõi lòng tha hương- niềm cố quận!
Ngộ ra mình làm cuộc tiễn đưa ...
Sao  em không nghe mùa thu ?.. .
(*) Tiếng thu - Lưu trọng Lư                            
   



ANH CÓ  LÀ THI SĨ CHI MÔ


Anh có là thi sĩ chi mô
Bởi nỏ viết điều chi to tát
Có những lúc nằm nghe cỏ hát
Bầu trời xanh tới cõi mông lung.
Có niềm yêu nói chẳng cạn cùng
Rứa là viết thay lời bày tỏ.


Anh làm thơ như buổi tình đầu
Tội câu chữ bỗng dưng dài ngoẵng
Lóng ngóng hoài không biết để đâu.
Như chúng mình bữa nớ bên nhau
Về sờ sợ bạn bè nó biết.


Anh làm thơ như buổi tình xa
Có hớp gió lạc bờ xao xác
Có ngụm vàng lạnh miếng trăng non
Có ánh nhìn từ mắt em khuya
Cùng nhau nguyện về làm câu chữ.
Quơ một ít sương chiều lữ thứ
Anh cô đơn se điệu kết vần.

                  ***





Anh có là thi sĩ chi mô
Bởi nỏ viết điều chi mới mẻ
Bởi ngày trước tình anh có bé
Rồi tình anh có bé ngày sau.


Nên chi chừ thơ dại biển dâu
Thơ lại giọt mềm trang mười sáu.
Anh nhớ nụ cười hơn lời nói
Yêu tóc đen hơn tóc đủ màu.
Anh vẫn thích con đường quạnh vắng
Một tiếng gù trơ trọi ngàn lau.


Nên viết nhiều mà có chi đâu
Rưng rưng chút hương mùa ngai ngái.
Rưng rưng chút rồi anh đi mãi
Bé bỏ quên đâu đó giữa đời!

    ***

Thơ anh chừ như trẻ mồ côi
Thương không hết còn đâu để mới.
Thơ anh viết là tình anh nói
Nên có là thi sĩ chi mô!

                       ∆












                                    13.11      NIỀM VUI CỦA SỚM MAI 

   Hạnh phúc bắt đầu mỗi ngày, sau khi mở cửa ra ta thấy cả bầu trời đầy sương, tĩnh lặng. Thấy cả vầng trăng khuyết xanh xao chìm muộn cuối rừng.Báo hiệu một ngày nắng đẹp của đầu thu.

 
Tôi lội vào sương với niềm hân hoan lặng lẽ.Bầu trời lạ lùng yên ắng, dịu êm.Như tay gối, tay ôm với mộng điệp sương trùng, ngất ngây trong một màu chiêm bao thanh thiên ngát tận. Tôi đi, tránh lay động một cách vô thức. Rồi chợt nhận ra ... Cứ để mọi người bình yên, hòa thuận với nhau.Cứ để cho vườn cây sum xuê chảy dài con mắt,ngát hai bờ sông ngợp khói buổi trăng tàn.Và phù vân ơi, hãy cùng với rừng xanh ngái ngủ ...
 
 Còn tôi, tôi quen rồi với mỗi sớm mai! Tôi quen với thổn thức ngập tràn mỗi sớm. Quen cái lâng lâng trong niềm cô đơn lạ thẳm. Như quen với tách trà xanh nóng hổi, ngọt chát dị thường ... Tôi bây chừ đâu được tìm tôi như ngày tháng cũ. Một nhành đời lay động bão giông ngần ấy tuổi còn gì! Có chăng để ngẫm lại .Có chăng cho một lần nhìn. Dù có khi lung linh,có khi chát chúa.Và có khi thấm thía niềm đơn côi mong mỏi của lão Bùi xa lắc chén rượu xưa:
           Xin ngó lại bàn chân em bước
           Vì em đi là lúc gió đương bay .. .










                        NỖI DAY DỨT TRONG CA TỪ  NHỮNG BÀI HÁT 
                                 CỦA NHẠC SĨ VŨ ĐỨC SAO BIỂN
  Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Vũ đức Sao Biển là tình khúc Thu, hát cho người ". Viết  vào khoảng năm 1968.Tức năm ông đang vào độ tuổi đôi mươi.

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ...
                                  ( Thu, hát cho người)
  Lời ca đẹp, bảng lảng như thu của núi đồi Trung Việt, nhưng không  lạ. Giai điệu mượt mà, thổn thức nhưng vẫn gu quen trong trào lưu thưởng thức âm nhạc bấy giờ. Bài hát lay động lòng người nhờ chuyển tải  niềm yêu vỡ bờ, vô vọng, vô thủy vô chung...của một con tim đa sầu ,đa cảm.Bài hát như phát đi tín hiệu một tài năng tỏa sáng trong tương lai. Và mối tình đầu đời ấy - niềm yêu vỡ bờ ấy cũng cho thấy về sau, sẽ mãi mãi là điệu rung khôn nguôi trong suốt cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Vũ đức Sao Biển
Ta có thói quen nhìn ngắm dung mạo của những bậc kỳ tài mà mình yêu thích.Một vóc dáng nho nhã, thư sinh.Cả khuôn mặt toát lên những đường nét thiên thần. Từ đó, ta tin có một tình yêu thánh thiện trong  "Thu, hát cho người". Nhạc sĩ không cần băn khoăn trước lối nói bỗ bã, huỵch toẹt với con mắt hấp háy nheo nheo, tinh nghịch  kiểu Nam bộ của ông già Nam Bộ"(*).
                                                                             
                                  
                                           ***
Bạc Liêu hiện đang chuẩn bị cho kỳ Festival Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần đầu tiên - một Di sản văn hóa phi vật thể  vừa được UNESCO công nhận. Không biết có mời nhạc sĩ Vũ đức Sao Biển - người con, đầy duyên cơ với tỉnh Bạc Liêu ?.Nói rằng duyên cơ là vì ở miền Tây Nam Bộ không thiếu những nhạc sĩ tài hoa.



  Nhạc sĩ Thanh Sơn ( tên thật là Lê văn Thiện , sinh năm 1938 tại Sóc Trăng ) với những  Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ...chất chứa một phương ngữ, âm sắc đặc trưng.Nhạc sĩ Hà Phương(  tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại Chợ Gạo, Tiền Giang) với những ca khúc thắm đượm điệu lý, câu hò sông nước: Bông điên điển, Bông lục bình,Đồng sâu xứ lạ, Em về Miệt Thứ...góp phần thổi bùng lên một dáng dấp quê nhà. Nhạc sĩ Tô thanh Tùng tên thật là Tô Thanh Tùng ,sinh năm 1944 tại Hồng Ngự, Đồng Tháp) với Hồng Ngự mang tên em,Ai về Đông Tháp, Chiếc xuồng, Giăng câu...nghe hồn quê lãng đãng đâu đây.. .v..v..
  Vậy mà Bạc Liêu như cơ duyên tiền định từ sự tình cờ đón chào đến nuôi dưỡng rồi cưu mang, một chàng trai nho nhã thư sinh chất ngất một cái tâm , thăm thẳm một cõi hồn, gốc quê xứ Quảng  mù khơi trở thành người con, người thân đầy duyên nợ.Và hơn hai mươi năm sau , trong cái thâm tình ấy, sau chuyến về thăm , bồi hồi niềm cũ  nghĩa xưa, nhạc sĩ Vũ đức Sao Biển đã cho ra đời một loạt ca khúc bất hủ hát về Bạc Liêu, hát về miền sông nước tận cùng phía Nam trong nỗi niềm riêng chung man mác... Từ đó điệu buồn phương Nam thăng hoa, lan tỏa đất trời, lan tỏa mọi miền quê hương đất nước.


  Nếu như một Thanh Sơn khói sương, len lỏi từng dòng kinh, bờ ruộng chiều hôm; bồng bềnh mái xóm, phên làng dưới bầu trời dân ca Nam Bộ thì nhạc sĩ Vũ đức Sao Biển chỉ quần tụ, cày xới đắp bồi chủ yếu dựa vào giai điệu  Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao văn Lầu và điệu buồn Trăng thu dạ khúc.

  Chỉ với bốn bài thôi:Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Tiếng quốc đêm trăng, Trở lại Bạc Liêu ... Vũ đức Sao Biển đã có hẳn một góc riêng mãi mãi sáng ngời trong trái tim thổn thức của triệu triệu người hâm mộ.( Riêng bài Dạ cổ hoài lang ta không bàn.Vì đó là bài mà lời, nhạc đều của cố nhạc sĩ Cao văn Lầu , được nhạc sĩ Sao Biển sưu tầm và ký âm, nên có vị trí đặc biệt. Điệu buồn Dạ cổ hoài lang được xem là nguồn cội mọi điệu buồn. Hội đủ những Xàng , Xê, Cống, Líu...để từ đó hóa thân thành bài Vọng cổ của hôm nay).
Ca từ của bốn bài trên lóng lánh một vẻ riêng. Không ảo diệu như thu của núi đồi Trung Việt.Không bàng bạc màu Hoàng hạc thuở chiều đi...
....
"Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang 
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm"... 
                                ( Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang)
Nhạc sĩ Cao văn Lầu
Câu hoài lang là câu nhớ chồng ,mong chồng.Một người con gái tóc chảy da hồng,công -dung - ngôn - hạnh.Lấy chồng rồi theo chồng.Ba năm đăng đẳng không một mụn con, đành vâng lời cha mẹ chia xa.Người con gái đó trở về nhà xưa, nửa đêm quay quắt thương chồng, phải ra rừng ngồi hát :"Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm..." .Chuyện tình của nhạc sĩ Cao văn Lầu là thế. Tội nghiệp còn hơn sương,buồn còn hơn khói...
"Xề u xế u liu phạn 
Dây tơ đàn kìm buông thiết tha 
Xề u xế u liu phạn 
Đưa cung đàn về trên bến xa"...
                             ( Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang)
Tới đây cung đàn không kìm được nữa. Chất Oán vỡ ra lai láng một đêm trăng...

Câu hát ngân nga
Tiếng tơ giao hòa,
Cháy lên trong dạ muôn ngàn tâm sự,
Hát lên một lần để một đời xa nhau sáo ơi!
                              ( Điệu buồn phương Nam)
  Câu hát nghe đau, nghe xót làm sao!. Câu hát cứ như cốt cách con người Bạc Liêu "ăn ngay nói thẳng" ,không quanh co mà trực thẳng lòng người .
Cũng như trong dòng dân ca Nam bộ, ca từ của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển luôn hiện diện hình tượng con sáo qua nhiều cung bậc khác nhau trong cảm xúc: Con sáo của thân phận  ( Bay về Bạc Liêu,con sáo bay theo phương người...);con sáo của niềm yêu ( Bay về Trà Vinh, con sáo bay qua đời tôi...);con sáo của tủi,của hờn,gởi gắm..(Hát lên một lần để một đời xa nhau sáo ơi!...)

Buổi ấy ra đi tưởng ngàn năm lẻ đôi én nhạn.
Hôm nay quay về xin cùng nhau nói câu sum vầy...

...Lòng đây thiết tha mong đợi
xin đó đừng phụ nghĩa tào khang...

                                 ( Trở lại Bạc Liêu)

  


  Câu hát chơn chất như lát đất vỡ hoang, hồn nhiên lá cỏ .Có sao nói vậy.Mộc mạc,đơn sơ mà vành vạnh vầng trăng. Cái nghĩa,cái tình thuở tào khang chi thê lên bát ngát! (1) 
Lời chơn chất là lời vô ngần. Lời hồn nhiên luôn là lời thơ dại.Thơ dại hay vô ngần, bao giờ cũng là lời thăm thẳm của con tim...

                                                 ***
  Trong bốn bài hát quá hay, bài Tiếng quốc đêm trăng vẫn là bài khiến ta đau nhất. Mỗi sớm khi lòng đã yên , hồn đã tịnh, sau chén trà thơm ta mới lắng nghe.Nghe và đợi. Bởi hình như khi  niềm đau chất ngất ,hạnh phúc cũng về chất ngất với niềm đau.

Người có hẹn gì không
Mà sao sóng lên mênh mang một dòng.
                                  ( Tiếng quốc đêm trăng)
Bây chừ làm sao để biết giữa mênh mang một dòng ấy, đâu là sóng mênh mang, đâu là sóng của  tình xưa Sao Biển?.
Hay cả hai lênh láng một dòng?!...

...Người ấy xa ta rồi
Còn tiếc chi mà gọi...
                                 ( Tiếng quốc đêm trăng)
Người ấy!... "Người ấy" là ai? Phải chăng là niềm yêu vỡ bờ,vô vọng,vô thủy vô chung? Là điệu rung khôn nguôi của một con tim đa sầu, đa cảm? 
"Người ấy" của riêng người hay của riêng ta mà hoài vọng.Của riêng ta hay của riêng người mà ánh buồn chợt lóe giữa rừng khuya...
"Người ấy xa ta rồi..."





(*)Ông già Nam Bộ: Nhà văn Sơn Nam

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó.
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
" Năm 2007, nhà văn Sơn Nam từng “phê bình” tôi: “Mày nói dóc. Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?”. Nhiều người cũng có thắc mắc tương tự như ông già Nam Bộ.
Thực ra, cây sim già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát. Có cây cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm. Và như tôi đã nói, thuở ấy lòng tôi trong sáng lắm cho nên tôi cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” thông thường vốn thuộc phạm trù hình nhi hạ!"
                                                          ( Vũ đức Sao Biển )


(1): Tào khang chi thê bất khả hạ đường
     Bần tiện chi giao bất khả vong.( Tống Hoằng )






                    13.04            BÀI  BUỒN TÀN THU   VÀ  CHỊ

Một dịp về công tác tại thành phố Cà Mau. Tá túc tại nhà anh chị vợ. Chị năm nay tuổi  gần 60.  Chị vốn là con gái miệt vườn chân chất, ít đó đây và học hành dăm ba chữ giữa chốn quê nghèo. Lấy chồng rồi theo chồng. Ngày hai bữa cơm,chị chăm nom cho chồng con . Suốt ngày cặm cụi dưới bếp, hiếm khi lên nhà trên.Nhìn chị trẻ hơn so với tuổi, còn nhanh nhẹn, hoạt bát, quan tâm đến mọi người : " Dượng mới tới hả ? Ăn cơm chưa ? Chèng ơi!...để tui..tui..." . Vừa hỏi chào vừa lăng xăng mời ghế tôi ngồi.
Hầu hết những người miền Tây nam bộ cởi mở, hồn nhiên và hiếu khách.Họ rất yêu thích và sành thưởng thức các điệu đờn ca tài tử. Trong đó Vọng cổ - giai điệu đặc trưng, chủ  đạo đờn ca tài tử trong đời sống tinh thần  bà con miền sông nước:
" Hò ...ơ....ơ....
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm,mưa nắng... dãi dầu...
Chiếu này tôi chẳng bán đâu
Tìm... cô.... không gặp ...ơ...ờ...
Hò ...ơ...ơ...tìm cô... không... gặp...
Tôi gối đầu... mỗi đêm...
  Nghe  man mác cả hai bờ dòng sông  mang màu mận chín.Nghe chơi vơi  cánh đồng mênh mang  mông quạnh buổi chiều hôm. Nghe  lãng đãng khói trăng miệt vườn, bờ ruộng.Nghe người con gái da hồng, tóc chảy đa mang...Tài tử mà day dứt xa xăm. Tài tử mà ẩn hiện chút niềm xa xưa đâu đó nơi  lòng người khai thiên lập địa.. .
  Ai về miền Tây mà không nghe được bài vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn  Châu do chính họ hát và không thưởng thức được món Bồn Bồn chấm với mắm Ba Khía thì coi như chưa thấm đẫm cái chất sông nước, đầm vuông của  miền Tây Nam Bộ. Người miền Tây phóng khoáng, hào hiệp bao nhiêu thì trong thưởng thức đờn ca tài tử lại so đo ,kỹ lưỡng đến bấy nhiêu:
- Chú em quê ở đâu? ( Chắc giọng chưa đúng chất Nam bộ?)
- Dạ, Quảng Trị...
- "Mùi"  à  nghen! Có điều chữ " dòng" trong câu hát , chú xuống chưa "ngọt".
Họ không khen hay ,dở . Chỉ có " mùi" hay chưa " mùi", "ngọt"  hay chưa " ngọt".

                                                    ***

  Tưởng chị  cũng như các bà mẹ miền Tây chung một niềm đam mê  đờn ca tài tử qua các giọng ca nổi tiếng như Lệ Thủy, Minh Vương...Nhưng hóa ra không phải.
Con gái chị cài cho một laptop có gắn loa, chỉnh âm chuẩn đặt sẵn cho chị cạnh góc bếp.Những lúc rảnh rỗi, nhà vắng người,chị mở nghe một mình.Sau này tôi mới biết, ôi chao! Toàn là Lá đổ muôn chiều, Suối mơ, Con thuyền không bến ...qua các giọng hát chị lựa như Thái Thanh, Lệ Thu ...của những năm trước 1975 và Ánh Tuyết bây giờ.
Tôi gặp chị đang nghe say sưa bài Buồn tàn thu của Văn Cao.Để không quấy rầy,tôi ngồi cách xa phía sau, cùng nghe và quan sát chị.Cả không gian sớm mát mẻ, yên lành. Chỉ còn lại Buồn tàn thu ngân nga thổn thức . Chỉ còn lại chị và tôi - mỗi kẻ , một góc trời.
...Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước chân chàng,
Từ từ xa đường vắng.
Đêm mùa thu chết,
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng...
  Chị ngồi tay trái chống cằm , mắt nhìn góc xa và... bất động.Cái chất liêu trai trong giọng hát Thái Thanh đã dìu chị đến bờ cõi nào rồi.Đúng như chị lựa, để nghe được Buồn tàn thu, phải là giọng  hát của Thái Thanh - một giọng hát cao , có đủ độ chín,có đủ bề dày trong đời sống dân ca Bắc bộ. Từ đó mới thấm kịp ,mới tan kịp theo lời ca ý nhạc của  bài Buồn tàn thu.Vì sao? vì Buồn tàn thu  cũng ra đời và được nuôi dưỡng từ chiếc nôi  dân ca của vùng đồng bằng Bắc bộ.

...Nhờ gió đưa duyên 
Chim với gió bay về 
Chàng quên hết lời thề... 

  Tới đây tuồng như cảm xúc vượt đỉnh ùa tràn,chị bật hát mà không cưỡng được.Cũng bằng  thứ giọng cao na ná Thái Thanh ( chắc chị đã nhiều lần ).Cánh tay phải của chị như tiếp với giong hát ,mềm mại đưa lên thả xuống nhịp nhàng. Chị hát như chính  người con gái trong lời ca. Chị hát bằng niềm khát khao dữ dội. Và chị ngân theo như cho dịu  một nỗi thu tàn...Chị hát cho tôi nghe? Không phải. Chị hát cho chị? Cũng chưa hẳn. Bởi tôi thấy chị ngồi hát nơi kia như ai đó lên đồng! Chị không biết chị đang hát...

Thôi tình em đấy, 
Như mùa thu chết rơi theo lá vàng...

  May quá,bài hát dừng lại.Ơn trời, hồn chị cũng về. Mở mắt ra ,chẳng có ai ngoài kia lướt  cùng sương khói, nhưng có gió và chim  từ bài hát  bay về...
- Em bất ngờ  việc chị nghe những bài hát này!
- Chèng ơi, hay quá ! Chị nghe hoài hà... riết rồi... hát được luôn.
Bây giờ tôi mới biết vì sao chị trẻ hơn tuổi. Vì sao chị ít lên nhà trên.Vì sao môi chị tươi chúm chím khi chào... Đơn giản bởi trong đời sống của chị, gian bếp này là  quá đủ.
Tôi chợt thấy niềm vui lóe lên trong ánh mắt cười cười của chị.Niềm vui đến với chị từng buổi, từng giờ. Được đón ,nhìn chồng con sum vầy bên bữa cơm. Tận hưởng cả không gian  thanh tĩnh,yên hòa khi nhà còn mình chị.Chị vui tự mình lau chùi, dọn dẹp sắp xếp mọi thứ. Có khi vừa làm, vừa hát nho nhỏ vài ca khúc tiền chiến quen thuộc- một cách để niềm vui từ đó nhân đôi... .Niềm vui nho nhỏ tiếp nối những niềm vui. Và hạnh phúc luôn bắt đầu từ những niềm vui nho nhỏ như thế. Hóa ra hạnh phúc hay niềm vui ở đời, nhiều  khi chỉ có vậy.Mừng cho chị. Vui cho chị.








BỨC 1: HỒN HOA


Trong linh hồn một bông hoa
Hình như có cõi người ta đàng hoàng. - BG

CHO TÔI  LY  NỮA
                          “..Đã là sông thì phi chy..."
                                              
Ly này ,ly na là hai
Cho tôi ly na  đ mai đng v.
Lời thu ngày đó vụng về
Hồn thu ngày đó chưa hề có em!

Cho tôi ly na ri xem
           Người bao nhiêu phn,phn bao nhiêu người.
Cho tôi ly na đng cười
Mt bao nhiêu ánh thì người su vương.
Mi tình là my nhớ thương
           Nh bao nhiêu ni,thương bao nhiêu nim.



           Chiu nay hoa rng  xung nhiu
Li xưa  rng xung mt chiu bâng quơ.
Cho tôi ly na ri mơ
Màu trăng Sông Đc nhum m tình tôi.

Cho tôi ly na ri thôi
Từ nay tôi để mây trôi cuối trời!

                                     









                                        12.8      NHỮNG GIỌT SƯƠNG NGẦN

"Đi lên bắt giọt sương ngần ..

Mỗi sớm, tôi đi lên bắt giọt sương ngần. Không giống như lão Bùi năm xưa, ăm ắp những  hồng nhan.

Đặt lên khía cạnh lệ hồng 
                                      hồng nhan ".
Nhớ những ngày lão còn ở chơi với cõi đời này,cứ mỗi sớm vừa lên là những hồng nhan bừng bừng nhan sắc. Có nhan sắc thành nghiêng, đài đổ. Có nhan sắc dậy lừng tiếng vọng truông khe.Từ cô Kiều quyến rũ nghìn xưa, em mọi rẫy nương hôm qua  đến nàng Kim Cương Sài thành mới đó ... Những giọt sương ngần tinh khôi ban sớm được chăm chút nâng niu, lão đặt lên khóe lệ những hồng nhan trong một niềm hân hoan vô tiền khoáng hậu. Lão múa bằng roi theo kiểu Tô Vũ. Lão nhảy trên triền đồi miền Trung cỏ cháy những điệu nhảy Đười ươi. Lão cười vang bằng giọng cười Trung - Niên -Thi - Sĩ quanh năm suốt tháng "bán dùi".

Còn tôi, tôi đem về pha chén trà thơm đượm khói; Rưới lên chút mộng bình thường ... góp phần hương vị nhỏ nhoi với sớm mai dưới hiên nhà phía trước. Để được rộn theo những tiếng dại trên cành; để được mát rượi từ một miền vô ngôn thăm thẳm ... Tôi làm gì có được hồng nhan, để nhẹ nhàng thiết tha từng giọt sương ngần lên khóe lệ! Một hồng nhan bạc phận - bạc lòng xa lắc khói sương, nhạt nhòa con mắt ... có kịp gì đâu. Đành ngồi lặng yên bên chén trà thơm đầy khói như sớm nay. Rồi mơ về điệu nhảy Đười ươi của núi đồi Trung du nắng gió ...










                                13.03    LÃO BÙI NGÀY ẤY  -    KỲ III

  Hồi đó, người ta gọi lão là Bồ tát. Một cách gọi yêu có chút trêu đùa.Ngẫm lại cách gọi ấy nhiều khi còn do nhiều nguyên nhân khác."Bồ tát", phải chăng vì lão có một đời sống khổ hạnh,chơn tu như bậc tu hành: Ăn chay, thiền tịnh,chân đất đầu trần."Bồ tát" vì Phật pháp uyên thâm,soi rọi.Năng lui tới chùa chiền, cùng với các tăng ni tâm giao, xướng họa."Bồ tát" vì còn một tấm lòng độ lượng, từ bi. Lão yêu non nước mây trời, cỏ cây muôn thú... Lão yêu nhan sắc,trẻ thơ ...trắc ẩn những phận đời... 
  Nghĩ cũng lạ,lão chỉ điên dại đâu đó ngoài đường.Còn nơi cửa Phật thiêng liêng thì trầm ngâm u mặc. Những chiều mây trắng về đâu...ai đó về đâu...chuông chùa đổ vọng...Người ta thấy lão, thả một cái nhìn hút tận đâu đâu như cánh mộng bên trời. Niềm cố quận rưng rưng...rồi...rưng rưng niềm cố quận, lão mơ lại người xưa quá cố thuở ban sơ. Ngan ngát một hương mùa!
  Giữa khói sương ai đó nghe dội về lời dặn dò...như cho lão,cho người thương ban sơ, cho  ngày gặp lại:

Mai sau còn dự hội nào
Nhìn nhau từ kỷ niệm đầu bão giông.

  Đọc câu thơ ấy, nhấp chén trà xanh giữa sớm mơn man. Ta như muốn phiêu diêu cùng lão."Hội nào..."? .Hội nào...bây chừ hử lão?.Với người ,lão khóc một con(*). Với lão, lão vùi chôn hố thẳm.Để rồi một mình khôn nguôi, đau đáu với mai sau.Để rồi lão hạnh phúc hình dung sẽ cùng vợ, cùng con tủi tủi hờn hờn...

3. Kỳ lạ cách nhìn một nhan sắc

   Với Trịnh, người con gái đẹp luôn phảng phất chút u buồn, hoài cổ xa xăm ; có một đời sống thiên về nội tâm tự tại:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...( Diễm xưa)
Và có chút xanh xao tô điểm vóc hao gầy:
vai em gầy guộc nhỏ 
như cánh vạc về chốn xa xôi...( Như cánh vạc bay)

  Và một chút thánh thiện, điệu đàng của bước chân Cao Tằng Tôn Nữ...
em qua công viên bước chân âm thầm...
ngoài kia gió mây về ngàn...( Nắng thủy tinh)
Tóm lại, người con gái đẹp của Trịnh luôn quí phái ,hoàng cung  và đậm đà chất ...Huế.



  Người con gái đẹp trong mắt lão Bùi lại hoàn toàn khác. Nhan sắc đó luôn tươi rói hồn nhiên, tinh khôi như ban sớm,đầu truông; khỏe mạnh như suối khe, ruộng đồng bờ bãi...Từ " cô Mọi nhỏ" đến "em Gái rú" và cả "ba người con gái - chiêm bao bên bờ cỏ châu Phi"(**)... - họ an nhiên tự tại. Như con chim ban sớm, hớp giọt sương cành; như tiếng vọng của chiều,từ khi xôn xao màu khói. Bầu trời, ôi! bát ngát mênh mang... Thoai thoải những triền đồi miền Trung hanh hao tràn ngập gió,những lối mòn xa xưa bờ dại ngát mùa thơm...Cõi đời tuồng như phải thế, ta liệu còn ai bận bịu chút gì:
" Em, người thôn nữ bờ mương
Ngồi nhìn cá nhảy lên vườn như chim..".( Xuân thôn nữ)

Ở điểm này lão giống cụ Nguyễn Du trong cách nhìn một nhan sắc:

"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn ,nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang..."

  KHUÔN TRĂNG là khuôn mặt - một khuôn mặt đầy đặn, sáng ngời. NÉT NGÀI NỞ NANG là nét mày dài cân xứng , phân minh. Như 2 cánh râu của ngài từ khi thoát xác. Một nhan sắc đậm vẻ dịu dàng, phúc hậu. Hứa hẹn cho ngày sau những con Rồng cháu Lạc khỏe mạnh, tuấn tú khôi ngô .Đó chưa nói tới " hoa cười ngọc thốt..." báo hiệu cả một mùa xuân cho một vận người.

Nghệ sĩ Kim Cương-Một nhan sắc
 đầy hào quang của lão Bùi
  Nói rằng kỳ lạ cách nhìn một nhan sắc của lão Bùi, nhưng đó là một kỳ lạ hợp lý. Kỳ lạ như một cách phát hiện mới mẻ ,bất ngờ thú vị.
Trịnh luôn nhìn nhan sắc một cách tổng thể bao quát.Còn cụ Nguyễn Du dành nhiều cho khuôn mặt một giai nhân .Thi sĩ Nguyễn Bính thì " cái thắt lưng " mới là điểm dừng đầu tiên trong con mắt:



"...Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhìn thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh..."( Mùa xuân xanh)

  Thật ra cách nhìn nhan sắc của thi sĩ Nguyễn Bính nằm trong hoàn cảnh không còn cách nào hơn.Từ cánh đồng xa,chàng ngóng đợi người yêu bước ra từ phía lũy tre làng.Nàng khoác lên mình cái áo tứ thân, lại còn trùm thêm chiếc khăn mỏ quạ...Chàng thi sĩ chỉ còn biết nhìn nơi có "cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân" cho thỏa cái con mắt đa tình! 
"Con bò khát bia"-Tranh tự vẽ của lão Bùi.
Một thời kỳ cọ được cho là lên tay.
Năm 1969, cháy nhà, thiêu rụi hết tranh.
 Lão buồn và bỏ cọ từ đó.

  Ai không từng thoáng chút xao lòng khi vô tình  gặp phải một" cái thắt lưng " .Ông bà xưa cho rằng" thắt đáy lưng ong" không chỉ là niềm tự hào của trời dành riêng người phụ nữ. Mà còn được xem như một tiêu chuẩn đức hạnh của người vợ, người mẹ tảo tần chịu khó chịu thương .






Đàn bà thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
                                              ( ca dao)
Vậy mà điểm dừng đầu tiên trong con mắt của  Bùi lão tiên sinh khi gặp một nhan sắc là... những bước chân:

Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau 
Nỗi niềm tưởng nhớ xưa sau
Bàn chân với nước lên nhau lại đè.
                             ( Người con gái qua khe)

  Bây chừ đọc lão mới nhớ lại ngày xưa và thừa nhận cách nhìn của lão là thú vị.Hồi đó,sau một ngày mệt nhọc rẫy nương, người viết chợt khỏe ra khi gặp, cũng người con gái lội qua khe trên con đường chiều về ( sau này hết đợi đến chờ ...).Phải nói, chỉ khi người con gái lội qua khe mới làm toát lên những nét đẹp của trời ban.Chịu cái tinh đời của lão!

  Người thong thả kéo hai ống quần lên,tay nách lại rỗ đựng đồ rồi khoan thai lội xuống.Đầu hơi nghiêng như chỉ nhìn từng bước chân "với nước lạnh đè...".Nín lặng như "nỗi niềm tưởng nhớ" .
  Cũng nín lặng chầm chậm theo sau, trước hết là  cái cổ trắng ngần đầy đặn lộ ra do tóc hai bờ nghiêng đổ. Rồi từ đôi bờ vai tròn trịa cho đến cái thắt lưng thẳm sâu, thần thánh đều được  hiện lên cụ thể những vòng...Điểm dừng lâu nhất vẫn là đôi cổ chân nõn nà khỏe mạnh đang ngụp lặn cùng những bước chân son nhỏ kiêu sa.

  Xin cám ơn của Rừng, của Rú ban cho.Dù vẫn biết "Ăn của Rừng" là "rưng rưng nước mắt". Xin cám ơn...con khe chiều muộn, đã khiến lòng ta như khói quyện la đà. Hình ảnh người con gái lội qua khe còn mãi ở lòng ta, còn mãi trong con mắt đa tình của lão. Cho đến sau này dù trùng xa cố quận, rớt hột phiêu bồng... Một điều ước nếu có ai cho,lão vẫn không  ngần ngại :

Xin ngó lại bàn chân em bước
Vì em đi vào lúc gió đương bay.                                     
                                     ( Màu Xuân)

Bây chừ mây trắng đã cuối trời. Cõi đời này , lão ơi! vẫn còn bước chân của người con gái. Có bao giờ về ngó lại nữa không?. Ngó lại con khe giữa rừng rú cũ. Ngó lại khói xưa còn giữ nguyên màu.Ngó lại cỏ cây "ly kỳ gay cấn", để biết có còn "ly kỳ gay cấn" nữa không! (1)


(1):" Thi sĩ sinh ra như mọi người, giữa cỏ cây ly kỳ và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gay cấn". Bùi Giáng - (Tư tưởng hiện đại).

(*): " Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con..." ( Bài Mắt buồn- Bùi Giáng)

(**):Trong bài tựa tập thơ Mưa nguồn - Bùi Giáng



                                    13.02   LÃO BÙI NGÀY ẤY  -    KỲ II

  Người ta lại viết về những bóng râm,góc khuất ...dưới bầu trời chói chang Bùi Giáng. Bầu trời ấy, những ai mới bước vào, đều bị đập vào mắt trước cái chói chang lạ lẫm mênh mông. Và với một bầu trời bát ngát sắc màu  đầy ma lực và quyến rũ như thế đủ khiến cho ta phải háo hức  đọc, viết và ...tận hưởng.Sao cứ tìm  chi những góc khuất,thấp lè tè dưới những lùm cây?
" Nhân bất thập toàn " mà!. Không phải cứ thiên tài thì phải Thánh.Vì vậy cũng không nhất thiết phải tranh cãi,đòi hỏi kiểm chứng về những bóng râm ,góc khuất ấy. Cái tâm tự sẽ khiến ta, dạy ta không nên làm một chuyện chỉ nhằm gây tổn thương người khác. Tổn thương người đã khuất. Tổn thương Bùi tộc Vĩnh Trinh.Tổn thương niềm tự hào về một biển trời thi ca độc đáo,kỳ lạ của nền văn học miền Nam Việt Nam vào những năm 60-80 thế kỷ trước của triệu triệu người hâm mộ.

2. Kỳ lạ chuyện học ngoại ngữ
  Tiếp lại bài viết trước, chuyện  lão lần lượt tinh thông tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và chữ Hán là kỳ lạ thứ hai trong chuỗi kỳ lạ của cõi đời Bùi Giáng.Cho đến nay vẫn chưa ai có thể giải thích việc hoc này một cách thấu đáo.
Tiếng Pháp được cho là giỏi từ thời trung học trai trẻ. Ngoài năng khiếu bẩm sinh với trí thông minh tuyệt vời, một người bạn học đồng niên tiết lộ cách học độc đáo của lão. Tức là lão chọn một cô gái xinh đẹp nhất trường,giỏi tiếng Pháp để viết thư ...tình bằng tiếng... Pháp.

  Thư đi thư lại và cho đến khi người con gái xinh đẹp kia phải mềm ra vì nỗi chờ mong,bỏ ăn bỏ ngủ đón đợi những cánh thư bay bướm,đa tình bằng tiếng Pháp thì cũng là lúc lão bắt đầu  thâm hậu trong nói , viết , làm thơ và ...dịch các tác phẩm kinh điển của nền văn học Pháp!Ta cứ cho cách giải mã trên là hợp lý.
Còn những ngoại ngữ khác thì sao, kể từ khi lão nghỉ học về chăn dê ở vùng núi đồi Trung Việt, ngao du lên xuống đất Sài thành sau này.Rồi ăn ,ngủ như một cái bang thực thụ mà  hồn nhiên lão kể :
"Sài gòn , Chợ Lớn rong chơi
Đi lên, đi xuống đã đời du côn..."?

Tiếng Anh, thôi thì cho lão cũng kiếm được một cô xinh đẹp( xinh đẹp lão mới chịu),giỏi tiếng Anh để viết thư tình.Còn chữ Hán, e khó.Giữa thời buổi bấy giờ ,xã hội miền Nam Việt Nam vào những năm 60 bị cho là lai căng, Tây hóa...thì biết kiếm đâu ra cho lão một cô gái vừa xinh đẹp,vừa chịu khó ngồi nghiền ngẫm chữ Hán với lão? Với một đời sống khi tỉnh khi loạn,rày đây mai đó," đi xuống đi lên".Với một phương tiện nghèo nàn,dụng cụ thiếu thốn... làm sao để lão có thể thâm nhập vào cái loại chữ tượng hình đa nghĩa, nhiều ý tứ thâm trầm này?
  Những tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa như Trang tử, Lão tử... rốt cuộc đều được lão tóm lĩnh tinh thông.Theo đánh giá của các vị cao niên lúc ấy,sức am hiểu của lão bất ngờ và lập tức nhảy vọt lên trên hạng mức "thượng thừa"( chữ Bùi Giáng ưa dùng).Về sau này nhà văn Bùi văn Nam Sơn - Thân tộc với Thi sĩ Bùi Giáng kiểm chứng lại những trích dẫn, đọc, dịch những pho Cổ thư, Kinh kệ, Thi ca... đồ sộ - tinh hoa của nền triết học Trung Hoa nói riêng, của Đông phương nói chung...đều chuẩn xác ,sâu sắc và tài tình .
Ta đành tự an ủi cho việc giải mã đó. Dù sao Chữ Hán cũng không xa lạ với "một ngàn năm đô hộ giặc Tàu.." ( Trịnh công Sơn) tại Việt Nam và ta tin rằng ở giai đoạn đó ,đất nước ta vẫn còn nhiều cụ túc nho,uyên thâm chữ Hán lẫy lừng.Chắc lão đã đầu quân vào một ai trong các vị đó?
                                                        Bút tích của lão Bùi

  Nếu như việc học chữ Hán còn đoán ngược ,đoán xuôi thì việc tinh thông tiếng Đức sau vài ba năm kế tiếp, ta chỉ còn nước chắp tay xá lão! Không giải thích được. Cho đến bây chừ, năm 2013 tại thành phố Hồ chí Minh chưa chắc đã có một trung tâm nào chuyên về Đức ngữ, huống chi vào thập kỷ 60 trước đó. Vậy mà không biết bằng cách nào, lão có thể dịch thuật, trực tiếp trao đổi thư từ với chính Martin Heidegger - một triết gia người Đức, nổi tiếng với thuyết hiện sinh chủ nghĩa cũng vào những năm 40-50 của thế kỷ trước.
Hãy xem lão tự tin viết :Heidegger khoát nhẹ một nửa bàn tay đủ lật nhào hai ngàn năm rưỡi tư tưởng triết học Tây phương và dựng lên một cõi gì chưa có danh hiệu chỉ định". 
Còn các vị học giả cùng thời thì cho rằng đó là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một nhà thơ Việt Nam sống cùng nhịp với các trào lưu tư tưởng lớn của thế giới đương đại. Họ nói : "Bùi giáng không hiểu triết học như một thầy giáo , mà sống với triết học như một bậc thầy..." (*)

  Rồi nghe nói sau năm 1975 , người ta bất ngờ nghe lão cãi vả bằng tiếng Nga với một phụ nữ Nga ( chắc cũng xinh đẹp).Vậy là lão học thêm tiếng Nga .Một năng lực ngôn ngữ phi phàm! Xin chịu lão! ( còn tiếp)      


(*):  Đỗ lai Thúy 








                                    13.01     LÃO BÙI NGÀY ẤY    -     KỲ I


  Người ta gọi lão là điên. Người ta còn nói ngày lão đi xa không trống,không kèn. Văn chương lão không được đưa vào văn học Sử nên có gì phải dựng đứng lão dậy để Hội thảo ?Còn có những tên tuổi như Tố Hữu, Xuân Diệu kia kìa...
Ta đọc ,ta nghe, ta còn gì để nói...
Người ta chết lúc làm thơ như thế
Không hề gì vì chết rỡn cho vui...

1. Kỳ lạ chuyện điên
  Với  lão, mọi chuyện đều không hề gì, không sao cả. Tưởng là thế nhưng khi ta đọc,cảm được một phần nào về một thân phận thì hóa ra không phải thế. Con người lão tài hoa, kỳ lạ.Phận người lão chỉ "  những đoạn trường mới hay...". Oan nghiệt đầu đời của lão có lẽ là người vợ yêu đột ngột ra đi vào buổi xuân tươi, không giữ kịp cho lão một giọt máu nối dòng. Phút vợ lâm chung, lão còn nơi nào xa ngái.
  Và phải chăng oan nghiệt này khiến lão bỗng thành một thi sĩ lạ lùng nhất của thế kỷ 20 trong suốt đoạn đời còn lại?. Nỗi đau lớn ấy, dù không nói ra nhưng mỗi khi thoáng hiện thì cứ đau đáu trong những Mưa nguồn, Ngàn thu rớt hột...
  NHÌN lão - thấy ốm o ,bơ phờ xiêu vẹo mà xót xa. Nhìn lão mang mặc lôi thôi,quàng đủ thứ giày dép,quần người ta... lượm lặt đâu đó lên người, thì thôi rồi lão...điên!.

...thì thôi rồi lão ...điên!

 Nhưng ĐỌC lão thì không phải vậy.Hãy đọc câu thơ gọi vợ của lão:
" Mình ơi, tôi gọi là nhà
Nhà ơi,tôi gọi mình là nhà tôi"

  Đọc mà không cầm được, đành để lòng cứ tan ra... Chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có người đàn ông gọi vợ chứa chan quê nhà như thế và chỉ ai là người Việt Nam mới thấm mặn  những tiếng gọi vợ tha thiết : Nhà ơi... Mình ơi...bình dị và cao quý này.Không cầm lòng được khi biết đó là  tiếng  gọi với..,gọi vọng về... những tiếc thương  dành cho người vợ không còn ở trần gian, của lão Bùi chừ đây"điên điên dại dại"...
  Ta đọc tiếp một đoạn khác cũng là nỗi khôn nguôi về vợ của lão:
" Khung cảnh ấy nằm sâu trong đáy mắt
Có lệ buồn, khóc với lệ hòa vui
Để tràn ngập hương mùa lên ngan ngát
Rồi tan đi trong hố thẳm chôn vùi..."

  Lão điên mà sao sau bao nhiêu năm vẫn chưa nguôi " khung cảnh ấy" ?. Lão điên mà còn đó " lệ buồn" , một chiều cù bất cù bơ đâu đó nơi xứ lạ, lão ngồi một mình " khóc với lệ hòa vui"?. Lão điên mà " hương mùa ngan ngát' được chăng?. 
Nghe nói về già,lão điên nặng.Ta hãy xem, lão họa thơ Thân thị Ngọc Quế ( nữ thi sĩ đã 70 tuổi - Người được lão  gọi là Thượng thừa nữ vương thi ca) trong Di cảo thơ III lúc về già. Nhân dịp Thi sĩ Ngọc Quế mời thử họa vài bài, lão mĩm cười từ chối.Nhưng sau khi cảm thơ của cô Ngọc Quế, lão viết:
" Càng đọc thơ chị nhiều ngày, tôi càng thấy rõ...một cái gì không thể nào nói được. Có lẽ xưa kia tôi từng linh cảm:
" Én đầu xuân,tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa"
Những bài thơ chị viết toàn nhiên là giãi tỏ, hồn nhiên xác định cái đó.Là cái tâm vô tận bao dung của chị trong cái vô tận đoạn trường mặt đất muôn trùng.Có lẽ - nếu chị vui chơi ân cần chút nữa - chị sẽ thấy rằng Bùi Giáng chưa biết chị từ bao giờ - nhưng tiên đoán, bằng trái tim mạch máu  - xẩu xương - rằng sẽ có ngày như thế là: một linh hồn vô tận sẽ đi về, sẽ nói mai sau của Đông Phương - Tây Phương một cái gì mà toàn thể địa cầu dường như đã đánh mất". 

  Đọc đoạn viết này, không những không thấy lão điên mà còn nhận ra ở lão - một cõi hồn mênh mang thăm thẳm, như cả khoảng trời diệu vợi ánh sao khuya... Lão có thể thẩm thấu mọi lẽ,mọi điều ,mọi ngóc ngách như một chén nước tâm hồn , ta đổ vào tô cát thơ của Thân thị Ngọc Quế . Và với ngôn ngữ vốn hữu hạn mà cảm nhận của lão thì vô bờ nên khi đọc thường  gặp .." cái gì đó...cái đó...một cái gì"  nhằm xác định một cái gì đó hiện hữu trong không gian. Và gặp những " cái tâm vô tận...  trong cái vô tận đoạn trường..." hay là " sẽ đi về...sẽ là...sẽ nói...sẽ thấy..." nhằm xác định, cũng một điều gì đó về mặt thời gian.Viết như thế này,ai dám bảo lão điên?.

  Có lẽ đây là điều kỳ lạ trong một chuỗi kỳ lạ của cuộc đời thi sĩ Bùi Giáng. 
( còn tiếp)



CHO TÔI

Cho tôi thêm nữa dại khờ
Đường xưa cỏ khép ngồi mơ một mình.









Cho tôi làm gã si tình

Để không nỡ trách người mình thương yêu
Để thêm một tiếng thở chiều
Rồi thôi không nói những điều lẽ ra...

Cho tôi làm cánh cò xa
Để tôi bay lả bay la cánh đồng
Để em đừng nói thật lòng
Từng đêm sao rụng xuống dòng mắt khuya.
Rồi mưa rồi gió đầm đìa
Ao này chân cứng, bờ kia đá mềm.

Cho tôi lộn cổ cành mềm
Còn hơn không có cành mềm giữa khuya!

                                     

 
CÁM ƠN

Cám ơn gió lạ giữa trời
Thổi ta thành khói bên đời nhẹ tênh.
Chim rừng mắt ướt nhìn lên
Hình như có tiếng gọi tên của mình.

Cám ơn một đoạn thơ tình
Cám ơn em nữa bên đình áo xưa…


                              ∆


PHẢI CHI


Em trôi về phía Nàng
Anh còn lại Ta.
Còn lại đêm bỗng khuya khoắt lại
Còn lại trưa chợt lắng giọt vàng.
Còn lại tách cà-fe tối thẳm
Cốc rượu nồng sáng buổi hồng nhan.

Tình từ đó còn hơn lời đã nói
Còn hơn thơ đã viết
Còn hơn cả ánh mắt anh nhìn!


         ***

Rồi Nàng biền biệt phương Người
Ta cũng phương Người biền biệt
Mây loạn trên đầu
Gió cuốn sau lưng!

Một ngày về sông Rây lạ hoắc
Con đường chung bước chẳng nhận ra.
Tình từ đó ngại cả lời thăm hỏi
Nói chi một cuộc trùng phùng!

Mà đời người thì nay mai
Tóc người đen bạc
Phải chi tình này sớm thắm chiều phai!

                                        
                               ∆